Để Hà Nội phát triển cân đối, hình thành cấu trúc chùm đô thị như Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì việc đẩy mạnh phát triển các đô thị vệ tinh từ giai đoạn này là nhiệm vụ cần chú trọng.
Tổ chức theo mô hình chùm đô thị
Tại
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt, hệ thống đô thị Hà Nội được tổ chức theo mô hình
chùm đô thị gồm đô thị trung tâm các trục đô thị hướng tâm, các thành phố trong
Thủ đô. Trong đó, khu vực đô thị trung tâm gồm khu vực nội đô lịch sử và các
khu vực liền kề.
Theo
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội (đơn vị lập
Quy hoạch Thủ đô) Nguyễn Thị Diễm Hằng, tại khu vực đô thị trung tâm mở rộng sẽ
hình thành các đô thị mới theo mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao
thông công cộng (TOD) kết hợp phát triển các mô hình "đô thị 15 phút"
(người dân có thể tiếp cận các tiện ích thiết yếu trong phạm vi 15 phút đi bộ
hoặc đi xe đạp từ nhà); phát triển đô thị sinh thái, chú trọng không gian công
cộng, công viên cây xanh, mặt nước, hạn chế mô hình nhà ở phân lô thấp tầng.
Thành
phố nghiên cứu hình thành mô hình “Thành phố trong Thủ đô”, bao gồm cả khu vực
đô thị và nông thôn. Mô hình này được quản lý và phát triển theo các tiêu chuẩn,
quy chuẩn đặc thù của đô thị Hà Nội. Quy hoạch định hướng trước mắt hình thành
thành phố phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và thành phố phía Tây (đô thị
Hòa Lạc, Xuân Mai). Ngoài ra, nghiên cứu hình thành thành phố tại khu vực Sơn
Tây, Ba Vì, là thành phố văn hóa, du lịch và thành phố phía Nam tại khu vực Phú
Xuyên, Thường Tín, là thành phố công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp ứng dụng công
nghệ cao.
Để
bảo đảm tính thống nhất, nghiên cứu tại đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô
cũng đã định hướng phát triển hệ thống đô thị của thành phố Hà Nội theo mô hình
chùm đô thị, đa cực, đa trung tâm. Hệ thống bao gồm: Đô thị trung tâm (đô thị
phía Nam sông Hồng; đô thị Long Biên, Gia Lâm); thành phố phía Bắc; thành phố
phía Tây; cùng các đô thị vệ tinh Sơn Tây, Phú Xuyên...
Đánh
giá về định hướng này, đặc biệt là mô hình “Thành phố trong Thủ đô”, Giám đốc Sở
Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho rằng, đây là hướng đi khả
thi và hợp lý cho Hà Nội giảm tải áp lực đô thị hóa, cũng như phát huy tiềm
năng của các khu vực lân cận.
Chủ
tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát
triển đô thị Việt Nam Tô Anh Tuấn cùng nhận định, cấu trúc chùm đô thị Thủ đô
là giải pháp quan trọng trong quy hoạch chung Hà Nội để bảo đảm sự phát triển
cân đối, hợp lý cho thành phố, tránh tập trung quá mức vào đô thị trung tâm, giải
quyết các vấn đề bức xúc của đô thị, khai thác tiềm năng đất đai, cảnh quan môi
trường, văn hóa đa dạng của các khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
cân bằng hơn.
Tổ chức phát triển đô thị chủ động
Nhấn
mạnh đến vai trò của đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển
đô thị Hà Nội Tô Anh Tuấn cho rằng, đô thị này có tiềm năng và lợi thế phát triển
nên cần ưu tiên phát triển sớm. Theo hướng này, lộ trình đến năm 2030, cần hình
thành các cơ sở hạ tầng cơ bản, đặc biệt là hạ tầng kết nối với đô thị trung
tâm để phát triển Hòa Lạc, đồng thời chuẩn bị cho các dự án đô thị tiếp theo.
“Phát
triển một thành phố mới với dân số khoảng 600.000 người như Hòa Lạc sẽ cần nhiều
chục năm và nguồn lực rất lớn. Phát triển cả hệ thống đô thị vệ tinh với dân số
khoảng 1,4 triệu người còn đòi hỏi thời gian và nguồn lực lớn hơn nhiều”, ông
Tô Anh Tuấn nêu.
Từ
những kinh nghiệm của quá trình phát triển đô thị ở Hà Nội cho thấy, cần chú trọng
đến giai đoạn thực hiện quy hoạch. Thành phố cần lập chương trình chung về phát
triển đô thị bao gồm một số phân kỳ; phát triển tập trung, đồng bộ, dứt điểm từng
khu vực, chủ động tổ chức các khu vực ưu tiên đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư chiến
lược cần được xem xét, áp dụng tối đa khi phát triển một thành phố mới như Hòa
Lạc cũng như các đô thị vệ tinh mới khác.
Theo
nhiều chuyên gia quy hoạch đô thị, để đạt được mục tiêu phát triển đô thị cân đối,
đồng bộ trong từng giai đoạn, hoàn thiện, dứt điểm theo từng khu vực, khắc phục
các hạn chế trong phát triển đô thị còn phân tán, “xôi đỗ” như thời gian qua,
thành phố cần có phương thức điều hành, tổ chức phát triển đô thị chủ động.
Trước
mắt, thành phố có thể xác định một số khu vực ưu tiên tập trung đầu tư trong từng
phân kỳ quy hoạch. Tại đó, tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản và mời gọi
các doanh nghiệp đầu tư phát triển các dự án đô thị. Các dự án này cần bảo đảm
tiếp giáp, liền khoảnh, phủ kín khu vực ưu tiên đầu tư và có thời hạn thực hiện
tương đối đồng bộ. Các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực ưu tiên do thành phố kêu
gọi, một mặt được hưởng các cơ sở hạ tầng đã chuẩn bị, mặt khác được hưởng các
chính sách, cơ chế ưu đãi hơn so với dự án đầu tư ngoài khu vực ưu tiên.
Theo
Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh, thời gian tới, Hà
Nội sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù tạo sự phát triển đột phá nhờ
thu hút doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài bố trí cơ sở sản xuất, nghiên cứu,
dành nguồn lực, tập trung phát triển các khu vực xây dựng đô thị. Trong đó,
thành phố tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng phát triển đô thị tại phía Bắc theo
Quy hoạch chung để tiến tới hình thành thành phố phía Bắc với hạt nhân chính là
Đông Anh trong giai đoạn đến năm 2045. Đồng thời, thành phố tiếp tục đẩy mạnh đầu
tư xây dựng phát triển đô thị Hòa Lạc, Xuân Mai để tiến tới hình thành thành phố
phía Tây…
HNM