Petrolimex muốn đầu tư sở hữu
chung Nhà máy lọc dầu tại Nhật Bản
Đây là một trong những kiến nghị
được nêu trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp “Thủ tướng Chính phủ
với doanh nghiệp nhà nước” của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).
Theo đó, Petrolimex cho biết, Nhà
máy lọc dầu tại Nhật Bản của Tập đoàn năng lượng số 1 Nhật Bản – ENEOS là cổ
đông chiến lược của Petrolimex.
“Nhà máy lọc dầu của ENEOS có thể
cung ứng các sản phẩm xăng dầu với tiêu chuẩn chất lượng cao nhất hiện nay trên
thế giới, thân thiện hơn với môi trường, mà trong nước chưa sản xuất được”,
Petrolimex thông tin.
Việc đầu tư sẽ thông qua phương
án cấu trúc vốn tối ưu và hoán đổi cổ phiếu của Petrolimex cho đối tác, đảm bảo
lợi ích cao nhất cho Petrolimex và Nhà nước.
Đơn vị này cũng bày tỏ, sau khi
nghiên cứu nếu có hiệu quả, sẽ xây dựng phương án cụ thể trình các cấp có thẩm
quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Tập đoàn này
cũng kiến nghị được ưu tiên phát triển thêm cửa hàng xăng dầu (CHXD).
Bởi lý do, Tập đoàn sở hữu hơn
2.600 CHXD, chiếm chưa đến 20% tổng số CHXD toàn xã hội, trong khi đó thị phần
của Petrolimex chiếm gần 50%.
Petrolimex mong muốn được dành
cho 50% vị trí quy hoạch CHXD (tương ứng với thị phần của Petrolimex) trên tất
cả các đường cao tốc đang đầu tư bằng nguồn vốn của nhà nước hoặc nguồn vốn của
doanh nghiệp nhà nươc (DNNN).
Giá đầu tư tương đương giá đấu
giá thị trường đối với 50% các vị trí còn lại (do các nhà đầu tư khác tham gia
đầu tư).
Phải đồng bộ hóa đơn điện tử
tới cơ quan thuế
Về cơ chế chính sách, Tập đoàn
này kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các đơn vị liên quan yêu cầu bắt buộc tất cả
các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải áp dụng đồng bộ hoá đơn điện tử có kết
nối trực tuyến với cột bơm xăng dầu, tới trung tâm dữ liệu quốc gia của cơ quan
Thuế.
Theo Petrolimex, việc này để đảm
bảo nguyên tắc công bằng trong kinh doanh, khi Petrolimex đã tiên phong áp dụng
từ năm 2018, nhưng các đơn vị khác vẫn chưa làm.
“Giải pháp này đồng thời cũng để
góp phần phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống thất thu thuế trong
thị trường xăng dầu.
Qua đó, tạo môi trường kinh doanh
xăng dầu minh bạch, bình đẳng, tuân thủ quy định pháp luật”, Petrolimex lý giải…
Trong báo cáo, Tập đoàn này cũng
đã bày tỏ những cố gắng trong sự nỗ lực đảm bảo nguồn cung xăng dầu thời gian
qua.
Theo Petrolimex, dù chỉ chiếm thị
phần gần 50% tổng nhu cầu xăng dầu cả nước, nhưng có nhiều thời điểm lượng bán
ra lên tới 70-80% nhu cầu thị trường do nguồn cung ứng xăng dầu bị hạn chế, các
đầu mối khác không có hàng, hoặc không bán ra vì lúc đó càng bán càng lỗ do giá
thế giới tăng nhanh hơn điều hành giá của Liên Bộ.
Hồng Hạnh - BGT