Những ngày cận lễ Quốc khánh 2/9, không khí làm việc tại làng Từ Vân càng trở nên tất bật. Với những mảnh vải mang hai màu đỏ và vàng kết hợp cùng bàn tay khéo léo của người thợ lành nghề đã tạo nên những lá cờ Tổ quốc, cờ Đảng đầy tự hào, kịp cung ứng phục vụ nhu cầu của người dân trên cả nước.

 

Những ngày gần với ngày Quốc khánh 2/9 và khai giảng năm học mới, xưởng may của ông Nguyễn Văn Phục, một trong những hộ kinh doanh lâu năm tại làng lúc nào cũng ngập sắc đỏ, máy móc chạy hết công suất để đáp ứng các đơn hàng.


Ông Phục chia sẻ, thời gian này toàn bộ nhân công trong xưởng thường xuyên phải tăng ca để đáp ứng được nhu cầu của thị trường.


"Sản xuất những sản phẩm mang hồn thiêng của dân tộc, chúng tôi đặt niềm tự hào và trách nhiệm trên từng đường kim, mũi chỉ", ông Phục cho hay.


Hàng ngày, hàng vạn những lá cờ với nhiều kích cỡ khác nhau được sản xuất tại đây. Các công đoạn từ cắt vải, may cờ, in hình ngôi sao hoặc các biểu tượng khác đều được làm tỉ mỉ.

 

Hiện nay, các hộ sản xuất quy mô lớn tại Từ Vân cũng đều trang bị máy móc hiện đại, lập trình tự động trên máy tính nên độ chính xác cao, tốc độ cắt vải nhanh, chi tiết, sắc nét hơn và cũng đáp ứng kịp các đơn hàng lớn

Người làng Từ Vân luôn tự hào khi được đóng góp những lá cờ vào các sự kiện lịch sử, ngày lễ lớn của đất nước.

Bà Đặng Thị Đàn (67 tuổi) đã có gần 30 năm gắn bó với nghề làm cờ Tổ quốc. Bà Đàn tâm sự, từ những lá cờ cầm tay rộng vài chục centimet tới những lá cờ rộng tới hàng chục mét, bà cùng những người thợ trong xưởng đều đặt cái tâm, tình yêu đất nước thể hiện sự trân trọng, muốn gìn giữ giá trị của sản phẩm đặc biệt này.


Cơ sở sản xuất nhà bà Đàn cung ứng các sản phẩm cờ truyền thống tới khắp các tỉnh thành, hải đảo trên cả nước.

Tại đây cũng từng may lá cờ khổng lồ 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em treo ở cột cờ Lũng Cú, Hà Giang.

Ghi nhận tại một cơ sở cơ sở của chị Vương Thị Nhung với 4 đời làm nghề may cờ Tổ quốc. Chị Nhung cho biết, những ngày này các đơn hàng liên tục được đặt với số lượng lớn, thậm chí sản xuất không đủ để cung ứng ra ngoài thị trường.


Những sản phẩm cờ thêu tay thủ công luôn được khách hàng tin tưởng và lựa chọn để đưa tới các sự kiện quan trọng đòi hỏi những người thợ lành nghề phải tỉ mỉ trên từng đường kim, mũi chỉ.

Ở độ tuổi 60 nhưng bà Đặng Thị Hải (làng Từ Vân) đã có 50 năm làm nghề may cờ Tổ quốc. Bà Hải cho biết, từ thời ông bà, bố mẹ đã làm nghề và tới nay khi đứa cháu 12 tuổi của bà Hải bắt đầu làm quen dần với đường kim, mũi chỉ, đến nay là đời thứ 5 gia đình bà gắn với nghề truyền thống này.

Theo bà Hải, để sản phẩm cờ thêu tay đạt được chất lượng tốt nhất, người thợ phải có được sự tập trung, chăm chú trên từng đường may. Mỗi người thợ phải yêu nghề mới có thể ngồi làm được bởi thời gian làm sẽ rất lâu, mỏi lưng, mỏi tay.

Người thợ lành nghề phải thêu sao cho tay phải giật đều, chỉ bóng, mặt căng, phẳng, theo hàng. Để hoàn thiện một lá cờ thêu tay cần mất tới 2 ngày, với những người chưa thạo nghề có khi mất đến cả tuần. Chính vì vậy, giá thành bán tại xưởng của một lá cờ thêu tay từ 600.000 đồng - 1 triệu đồng, tùy kích cỡ, cao hơn nhiều lần so với cờ được may bằng máy.


Người làng Từ Vân rất muốn truyền lại nghề cho thế hệ đi sau khi nhiều gia đình đã dạy con làm quen với nghề từ khi còn nhỏ. Những công việc nhỏ như cắm cán nhựa vào cờ phục vụ khai giảng giúp các bạn nhỏ tạo sự hứng thú, thêm yêu hình ảnh lá cờ Tổ quốc.

Dantri.com.vn