Mới đây, giới chuyên gia cho rằng, các công nghệ cảm biến hiện đại trong ô
tô có thể trở thành thiết bị thu, phát tín hiệu hình ảnh, âm thanh và nhiều dữ
liệu riêng tư của người dùng.
Trang Business Insider dẫn báo cáo mới đây của tổ chức phi lợi nhuận
Mozilla Foundation cho thấy, lĩnh vực ô tô nhận điểm thấp nhất về quyền riêng
tư dữ liệu.
Mozilla Foundation tổng hợp khả năng thu thập dữ liệu của hàng chục loại sản
phẩm như ô tô, thiết bị đeo, loa thông minh, camera an ninh, chuông cửa có gắn
camera và các thiết bị gia dụng có kết nối thông minh kể từ năm 2017.
Tổ chức này cũng khảo sát qua e-mail và phân tích khả năng thu thập, sử dụng dữ liệu hàng đầu từ 25 thương hiệu ô tô hàng đầu thế giới. Kết quả nghiên cứu cho thấy, không có hãng nào trong số 25 thương hiệu ô tô đáp ứng các tiêu chuẩn về quyền riêng tư tối thiểu mà Mozilla Foundation đưa ra như mã hoá toàn bộ thông tin thu thập, không cung cấp thông tin cho bên thứ ba.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho thấy 19 nhà sản xuất ô tô nói họ có thể bán dữ
liệu cá nhân của người dùng. Một nửa trong đó có thể chia sẻ thông tin này với
chính phủ hoặc cơ quan thực thi pháp luật nếu được yêu cầu. Hầu hết không cung
cấp tùy chọn cho phép xóa dữ liệu đã thu thập, trừ hai thương hiệu là Renault
và Dacia.
Đáng chú ý, câu hỏi khảo sát về mã hoá dữ liệu, hầu hết đều bỏ qua hoặc đưa
ra câu trả lời không thoả đáng. Một số hãng còn thu thập cả số giấy phép lái
xe, tình trạng nhập cư, chủng tộc, khuynh hướng tình dục, thậm chí là khả năng
suy đoán dựa trên các dữ liệu này để tạo hồ sơ phản ánh sở thích, đặc điểm, xu
hướng tâm lý, khuynh hướng hành vi, thái độ của người tiêu dùng.
Ông Jen Caltrider, Trưởng nhóm nghiên cứu Mozilla Foundation phân tích: "Sự phổ biến của công nghệ cảm biến trong ô tô, từ kết nối viễn thông đến bảng điều khiển được số hoá hoàn toàn, đang biến chúng thành trung tâm dữ liệu. Ô tô được trang bị đầy đủ mọi thứ có thể thu thập thông tin. Chúng có micro để thu lại các cuộc trò chuyện và cũng có camera từ mọi hướng".
Theo Business Insider, mặc dù thương hiệu Tesla của tỷ phú Elon Musk được
nhóm nghiên cứu đánh giá là những đơn vị có chỉ số cao về thu thập dữ liệu. Tuy
nhiên nếu người dùng từ chối cung cấp thông tin cá nhân, chiếc xe lập tức gửi cảnh
báo thời gian thực rằng các thao tác có thể dẫn đến việc giảm chức năng, hư hỏng
nghiêm trọng hoặc không thể hoạt động.
Trước đó, nhiều thương hiệu ô tô bị phát hiện rò rỉ dữ liệu gây ảnh hưởng đến
hàng triệu người dùng. Năm 2021, thương hiệu Volkswagen và công ty con Audi của
Đức đã để lộ thông tin không mã hoá của hơn 3,5 triệu khách hàng. Hay thông tin
của 1,6 triệu khách hàng Mercedes-Benz bị rò rỉ vào tháng 6/2022.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, chuyên gia công nghệ Albert Fox Cahn tại đại học
Harvard cho biết: "Ngày càng có nhiều
ô tô bị nghe lén bởi người dùng đang trả nhiều tiền hơn cho các thiết bị điện tử
trang bị trên xe nhưng đó lại là công cụ thu thập dữ liệu".
Một nhóm thương mại đại diện cho các nhà sản xuất ô tô tại Mỹ Alliance for
Automotive Innovation cho rằng, các thương hiệu, doanh nghiệp xe ô tô vẫn ưu
tiên mục tiêu bảo vệ quyền riêng tư của người tiêu dùng.
Đồng thời tổ chức này cũng yêu cầu Chính phủ Mỹ cần xây dựng một đạo luật
riêng về bảo vệ dữ liệu, quyền riêng tư của người dùng khi sử dụng các công nghệ
cảm biến trong ô tô, thay vì cứ tiến hành sửa đổi quy định, chính sách. Bởi mỗi
bang của Mỹ đều có một luật quy định riêng về bảo vệ dữ liệu cá nhân và nhà sản
xuất ô tô có trụ sở tại bang nào sẽ tuân thủ pháp luật về bảo vệ dữ liệu của
bang đó.
MKA