Theo thông báo mới nhất của Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc, người dân nước này sẽ đón lễ hội mùa Xuân vận đầu tiên không chịu bất kỳ hạn chế đi lại nào vào Tết âm lịch năm nay từ 7/1 tới 15/2.

Có thể thấy, đây là khoảng thời gian du lịch Tết của người dân Trung Quốc, cũng là khoảng thời gian nhiều người dành ra để về quê ăn Tết. Do quy mô dân số nước này, lễ hội du Xuân cũng đồng thời được xem như đợt di cư hàng năm lớn nhất trên thế giới.

Trong kỳ Xuân vận kéo dài 40 ngày năm 2023, đại diện Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc cho biết chính phủ dự kiến sẽ có khoảng 2,09 tỷ chuyến đi được thực hiện. So với con số của năm 2022, mức dự báo của năm nay tăng tới 99.5% do các yêu cầu nghiêm ngặt về hạn chế đi lại đã được nới lỏng trên diện rộng, từ đó giải phóng nhu cầu đi lại bị dồn nén của người dân.

Cụ thể, trong một cuộc họp báo của Văn phòng Thông tin Hội đồng Nhà nước ngày 6/1, Bộ GTVT cho biết kỳ Xuân vận năm 2023 sẽ bắt đầu một ngày trước khi Trung Quốc mở cửa hoàn toàn biên giới sau 3 năm, đồng thời hạ cấp độ quản lý dịch bệnh từ cấp A xuống cấp B. Điều này có nghĩa là người dân không còn cần xét nghiệm, theo dõi mã sức khỏe hay đo nhiệt độ nữa.

Theo Global Times trích dẫn ông Xu Chengguang, một quan chức chịu trách nhiệm về kỳ Xuân vận thuộc Bộ GTVT Trung Quốc, số lượng hành khách di chuyển bằng đường hàng không, đường sắt và đường bộ sẽ đạt 70,3% so với mức trước đại dịch,

Do sinh viên đại học trở về nhà nên lượng hành khách năm nay chủ yếu bao gồm những người đến thăm người thân, dự kiến chiếm 55% tổng số người tham gia Xuân vận theo Bộ GTVT. Những người đang tìm việc sẽ chiếm 24% trong khi những người có mục đích đi lại và kinh doanh chiếm 10%.


Tuy nhiên, lượng người tham gia giao thông tăng mạnh cũng đồng nghĩa với việc ngành giao thông vận tải Trung Quốc phải đối mặt với khó khăn trong bối cảnh các ca nhiễm Covid-19 đang tăng mạnh và thời tiết xấu. Ông Xu Chengguang nhận định, kỳ Xuân vận 2023 sẽ là kỳ xuân vận phức tạp và thách thức nhất trong những năm gần đây.

Và để chuẩn bị tốt hơn, Bộ cho biết sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo cho hàng tỷ người Trung Quốc có một chuyến đi an toàn và suôn sẻ về nhà rồi quay trở lại thành phố làm việc.

Cụ thể, chính phủ Trung Quốc khuyến khích việc đi lại giữa các khu vực vào nhiều thời điểm khác nhau và kêu gọi mọi người lên kế hoạch hợp lý cho chuyến đi của mình. Đối với người già có bệnh, phụ nữ mang thai và trẻ em, chính phủ khuyến khích họ giảm thiểu việc đi lại.

Ngoài ra, các phương án dự phòng cũng được triển khai một cách có hệ thống. Người dân sẽ cần chịu trách nhiệm về điều kiện sức khỏe cá nhân, tránh du lịch khi bệnh và buộc mang khẩu trang cũng như thực hiện các biện pháp phòng ngừa khác,… khi di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng.

Về phía ngành hàng không, ông Wan Xiangdong, một quan chức thuộc Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc, cho biết cơ quan này đã phê duyệt thêm 10.313 chuyến bay, bao gồm 3.459 chuyến bay phục vụ Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu ở tỉnh Quảng Đông kể từ 5/1 để ứng phó với sự gia tăng nhu cầu đi lại.

Ông Huang Xin, một giám đốc điều hành của Tập đoàn Đường sắt Nhà nước Trung Quốc, cũng cho biết công ty sắp xếp để tăng 11% công suất vận tải, với tối đa hơn 9 triệu chỗ ngồi có sẵn hàng ngày trong kỳ Xuân vận. Động thái này là để chuẩn bị cho dự báo mức đi lại bằng đường sắt đạt 90% trước Covid-19 với khoảng 360 triệu lượt hành khách.

Ở một diễn biến khác, ngành GTVT không phải là ngành duy nhất bận rộn trong kỳ Xuân vận. Theo Global Times trích dẫn một quan chức của Cục Bưu điện Nhà nước, các công ty chuyển phát nhanh cần đảm bảo có đủ nhân viên tại các vị trí trong những ngày nghỉ lễ. Ngoài ra, các công ty cũng cần ưu tiên vận chuyển vaccine, thuốc, khẩu trang cùng các nguồn cung y tế khác trong thời kỳ này.

Nguyên nhân được Bộ GTVT Trung Quốc đưa ra là do nhu cầu vận chuyển năng lượng, thực phẩm cũng như vật tư y tế và hàng hóa thiết yếu dự kiến sẽ tăng "một phần đáng kể" trong kỳ Xuân vận 2023, một kịch bản khác so với các năm khác khi nhu cầu hàng hóa giảm.

MKA