Ngày 22/9, thông tin từ UBND tỉnh Lâm Đồng,
đơn vị vừa có văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với
các Sở: Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, UBND huyện Bảo
Lâm và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương xem xét, xử lý những khó khăn,
vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại dự án Tổ hợp
bauxit – Nhôm Lâm Đồng, theo như đề nghị của Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng và
báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện trước ngày 10/10/2024.
Nhà máy Alumin Lâm Đồng. Ảnh: Lê Sơn
Theo báo cáo của Công ty Nhôm Lâm Đồng,
khu vực khai thác quặng bauxit 5 năm (giai đoạn 3), dự án Tổ hợp bauxit – Nhôm
Lâm Đồng được UBND tỉnh chấp thuận phạm vi ranh giới, diện tích thu hồi đất để
khai thác có tổng diện tích hơn 428 ha. Kể từ khi thực hiện đến nay (từ đầu năm
2024), đã có 73,3 ha được UBND huyện Bảo Lâm ban hành quyết định phương án bồi
thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và thu hồi đất. Tuy nhiên, khả năng khai
thác chỉ được khoảng 40 ha do nằm tập trung, diện tích còn lại chưa thể khai thác
do nằm rải rác, không có đường vào.
Trước đó, công tác đền bù, giải phóng
mặt bằng giai đoạn 2 cũng gặp nhiều khó khăn: Có 10 hộ dân chưa nhận tiền
thì 4/10 hộ thuộc diện bố trí tái định cư nên chưa đủ điều kiện
cưỡng chế, có 6/10 hộ đã chuyển hồ sơ về Huyện để thực hiện thủ
tục cưỡng chế theo quy định nhưng đến nay Huyện chưa có văn bản về
việc này. Có 01 hộ thuộc đợt 3 (lần 10) 0,61ha không đồng ý giá nên
chưa nhận tiền bồi thường.
Đặc biệt, có 14,2 ha/29,9 ha tranh chấp
về nguồn gốc khai phá đất giữa người dân và 02 công ty Vĩnh Tiến
và Vĩnh Lộc cần tiếp tục xác minh, làm rõ (trong đó: 6,5ha người
dân đang tranh chấp quyền khai phá, canh tác đối với 02 công ty; phần
còn lại là đất giao thông chung và một phần là đất cần tiếp tục
xác minh, làm rõ về nguồn gốc).
Do đó, theo tính toán, với quỹ đất còn lại
có thể tiếp cận khai thác được chỉ đáp ứng sản xuất alumin đến ngày 25/9/2024.
Sau thời điểm này, nếu không được bổ sung thêm quỹ đất thì Nhà máy alumin phải
giảm tải hoặc dừng hoạt động. Điều này ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh
doanh năm 2024 của đơn vị cũng như công ăn việc làm của gần 1.400 người lao động
tại Công ty.
Hiện nay, công tác lập phương án bồi thường,
hỗ trợ giải phóng mặt bằng đang phải tạm dừng vì hiện nay UBND tỉnh Lâm Đồng và
UBND huyện Bảo Lâm chưa ban hành các văn bản, quyết định về hướng dẫn, đơn giá
các loại để áp dụng phù hợp theo Luật Đất đai 2024.
Để kịp thời đáp ứng nhu cầu cấp thiết về
nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, Công ty Nhôm Lâm Đồng đã có văn bản đề xuất
UBND tỉnh và các sở, ngành cần nhanh chóng ban hành các quyết định, văn bản hướng
dẫn thay thế các quyết định cũ theo Luật Đất đai 2013 không còn phù hợp, như:
Quy định chi tiết một số nội dung về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước
thu hồi đất; bảng giá nhà ở, công trình xây dựng và giá cấu kiện tổng hợp; giá
các loại cây trồng; giá các loại đất giai đoạn 2020 - 2024.
Công ty Nhôm Lâm Đồng cũng đề xuất, trên
cơ sở các văn bản, quyết định mới ban hành theo Luật Đất đai 2024 của tỉnh Lâm
Đồng nêu trên, UBND huyện Bảo Lâm ban hành các quyết định về đơn giá thay thế;
trong đó, có đơn giá cấu kiện, vật kiến trúc không có trong bảng giá; hệ số điều
chỉnh giá đất để xác định giá đất cụ thể tỉnh tiền bồi thưởng khi nhà nước thu
hồi đất thực hiện khai thác quặng bauxit giai đoạn 3.
Đồng thời, đề xuất UBND huyện chỉ đạo các
phòng, ban, đơn vị tiến hành các thủ tục thông báo thu hồi đất, họp dân thông
báo thu hồi đất; ban hành quyết định và thực hiện cưỡng chế thu hồi đất đối với
6 hộ chưa nhận tiền (4,8 ha).
BCT