Tại
chợ Suibei - thủ phủ vàng số một Trung Quốc - ngày 15/6, các cửa hàng tấp nập
khách dù là ngày thường, trong đó quá nửa là giới trẻ. Lin Huamei, một sinh
viên đại học 20 tuổi, đang lựa một số món đồ trang sức.
Lin
bắt đầu mua hoa tai và dây chuyền vàng từ năm ngoái. Gần đây nhiều bạn bè của
cô đeo trang sức vàng nên cô quyết định mua thêm một ít để dùng. "Một phút
bốc đồng khiến tôi cháy túi. Cũng may vàng giữ giá, nên mua vàng trang sức cũng
là đang đầu tư, đeo lên cũng đẹp và an toàn", cô chia sẻ.
Năm
2023, giá vàng quốc tế nhìn chung có xu hướng đi lên, điều này đã thúc đẩy giá
vàng bán lẻ ở Trung Quốc tăng cao và gây ra cơn sốt vàng trong giới trẻ. Tại một
chợ ở Thiên Tân ngày 18/6, khách hàng cũng đa phần là người trẻ.
"Chúng tôi sắp kết hôn nên tận
dụng chương trình khuyến mãi giữa năm để đặt nhẫn, bông tai, dây chuyền, lắc
vàng", Liu Zhongyuan và Wei Xiaxia, đều 27 tuổi,
chia sẻ.
Đối
với cặp đôi, vàng không chỉ thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ mà còn tiết kiệm và bảo
toàn giá trị hơn so với kim cương.
Những
người trẻ xem đồ trang sức vàng ở Shuibei, Thâm Quyến, ngày 18/6. Ảnh:
Thinkchina
Theo
dữ liệu của "Báo cáo chuyên sâu về
ngành trang sức vàng Trung Quốc năm 2022", trong 5 năm qua, mức độ sẵn
sàng tiêu dùng vàng của giới trẻ Trung Quốc tăng nhanh, từ 16% năm 2016 lên 59%
năm 2021. Theo "Sách trắng khảo sát mức tiêu thụ vàng và trang sức Trung
Quốc năm 2021", khách hàng từ 25 đến 35 tuổi chiếm hơn 70%. Trong số đó, đầu
tư và quản lý tài chính là lý do chính để giới trẻ mua vàng, kế đến là sự thỏa
mãn và tiêu dùng tiết kiệm.
"Tôi đã tích được một ít. Từ
ngày ra trường, hàng tháng sau khi trừ đi phí sinh hoạt, tôi lại mua vàng tích
lũy", Zhang Yishi, một nhân viên văn phòng 28 tuổi chia
sẻ,
Một
nhân viên văn phòng họ Xu cho biết cô đã lập một nhóm trò chuyện để các thành
viên chia sẻ các chương trình khuyến mãi mới nhất trên các nền tảng thương mại
điện tử, các buổi phát trực tiếp.
"Giá
vàng trang sức trong các buổi phát sóng trực tiếp thường thấp hơn so với giá tại
các cửa hàng truyền thống của các thương hiệu đó", Xu nói.
Xem
vàng như một kênh tích lũy an toàn là lý do khiến Xu ngày càng quan tâm đến
trang sức vàng. "Bạn có thể mua một mặt dây chuyền vàng hoặc một chiếc
vòng cổ pha lê nhân tạo với giá 2.000 tệ. Vài năm sau, chiếc dây chuyền vẫn có
thể giữ nguyên giá trị hoặc thậm chí tăng giá, dễ bán. Nhưng rất ít ai muốn mua
một chiếc vòng cổ pha lê nhân tạo đã qua sử dụng", Xu nói.
Những
hạt vàng, thỏi vàng được bán ở Shuibei, Thâm Quyến, thu hút người trẻ mua. Ảnh:
Thinkchina
Những
người trong ngành tin rằng nghề chế tác vàng đã có nhiều cải tiến trong các năm
gần đây, theo hướng trẻ trung, năng động, mẫu mã đa dạng hơn. Hơn nữa, sự mở rộng
của ngành trang sức sang các nền tảng thương mại điện tử và các phòng phát trực
tiếp đã thúc đẩy quảng cáo trang sức vàng trên không gian trực tuyến, thu hút
nhiều gen Z.
Qiu
Xiaoshuang, chủ một cửa hàng vàng ở chợ Shuibei, cho biết đồ trang sức bằng
vàng từng được coi là lỗi thời. Tuy nhiên, vài năm qua nghề chế tác vàng đã
phát triển vượt bậc với các kỹ thuật và quy trình đúc, từ đó cải thiện đáng kể
độ cứng, màu sắc, dẫn đến sự đa dạng về kiểu dáng và kích thước hơn. "Giới
trẻ thích những phong cách này và vàng đã trở thành phụ kiện thời trang mà họ
đeo hàng ngày", cô nói.
Bên
cạnh đồ trang sức bằng vàng, trong những năm gần đây, giới trẻ ở Trung Quốc
cũng bắt đầu có xu hướng sưu tập "hạt vàng" (giống vàng thỏi, tiền
xu). Chủ tiệm vàng Cai Xiaodong cho biết những người trẻ tuổi có sức mua hạn chế,
các hạt vàng hạ thấp ngưỡng mua vàng, tạo cơ hội cho mọi người sở hữu.
"Thay vì chấp nhận các khoản đầu
tư bất động sản hoặc chứng khoán đầy rủi ro, những người trẻ tuổi tin rằng vàng
là một lựa chọn đầu tư tốt hơn mà vẫn giữ được giá trị qua thời gian",
giáo sư Wang Yanbo (Trường Kinh doanh Đại học Hong Kong) chia sẻ.
vnexpress.net