Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng thiếu điện nghiêm trọng dẫn đến việc thu hẹp sản xuất một số ngành như thép, xi măng.

Trung Quốc thiếu điện đến hết quý 4/2021

Sản xuất công nghiệp Trung Quốc phục hồi quá nhanh sau đại dịch đã gây áp lực lên hệ thống điện quốc gia. Theo Tân Hoa Xã, tiêu thụ điện của Trung Quốc đã tăng 13,5% so với cùng kỳ trong 8 tháng đầu năm 2021, tuy nhiên sản lượng điện lại chỉ tăng 10,1% so với cùng kỳ.


Sản lượng sản xuất điện của Trung Quốc

Tình trạng mất cân bằng cung - cầu này chủ yếu do các nhà máy nhiệt điện cắt giảm sản lượng để tránh thua lỗ trong bối cảnh giá nhiên liệu đầu vào tăng cao và thời tiết bất lợi khiến sản lượng điện tái tạo không đạt kỳ vọng.

Tình trạng thiếu điện trở nên trầm trọng hơn trong tháng 9/2021 khi có 17/31 tỉnh/khu vực tại Trung Quốc thông báo về tình trạng cắt điện.

Khủng hoảng thiếu điện ở Trung Quốc đã ảnh hưởng rất lớn đến nhóm các ngành sử dụng nhiều năng lượng điện, bao gồm sản xuất thép và xi măng. Nhiều nhà sản xuất đã nhận được yêu cầu cắt giảm công suất để tiết kiệm năng lượng, nhất là trong bối cảnh lo ngại không đủ điện để giữ ấm khi mùa đông đang đến gần. Đáng chú ý, phần lớn sản lượng thép và xi măng của Trung Quốc tập trung ở các khu vực thiếu điện sản xuất như Hà Bắc, Sơn Đông, Liêu Ninh... đây đều là những nơi bị cắt điện. 

Sản lượng sản xuất thép – xi măng của Trung Quốc trong tháng 8/2021 đã giảm lần lượt 12,2%-4,3% so với cùng kỳ, và thấp hơn 14,2%-8,7% so với trung bình quý 2/2021. Nguồn cung giảm quá nhanh đã khiến ngành thép – xi măng Trung Quốc rơi vào tình trạng mất cân đối cung - cầu tạm thời. Xu hướng này dự báo sẽ tiếp diễn tối thiểu đến hết quý 4/2021 khi sản lượng điện tại Trung Quốc chưa có dấu hiệu sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.


Sản lượng sản xuất thép thô của Trung Quốc (triệu tấn)


Sản lượng sản xuất xi măng của Trung Quốc (triệu tấn)

Mức tồn kho thép và xi măng tại Trung Quốc đều đang ở mức thấp nhất kể từ đầu năm và giá bán các mặt hàng này có dấu hiệu tăng đáng kể từ tháng 8/2021. Do đó, Trung Quốc đang gặp tình trạng thiếu hụt nguồn cung vật liệu xây dựng tạm thời và xu hướng này sẽ tối thiểu tiếp tục trong quý 4/2021 khi sản lượng điện dùng cho sản xuất tại quốc gia này chưa có dấu hiệu hồi phục.

Cơ hội cho ngành sản xuất thép và xi măng của Việt Nam

Cuộc khủng hoảng điện trầm trọng tại Trung Quốc - quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới - được dự báo sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới triển vọng tăng trưởng của nước này. Cùng với đó, những tác động trực tiếp lên chuỗi cung ứng toàn cầu của cuộc khủng hoảng này có thể sẽ đè nặng lên nền kinh tế thế giới, vốn đang "oằn mình" chống chọi với đại dịch. Tuy nhiên đó lại là một cơ hội dành cho các nhà xuất khẩu vật liệu xây dựng Việt Nam đang được hưởng lợi khi quốc gia láng giềng thiếu hụt nguồn cung tạm thời, đặc biệt là đối với ngành thép xây dựng và xi măng.

Sản lượng thép – xi măng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng mạnh trong tháng 8,9.2021 so với giai đoạn trước tháng 7.2021, cùng lúc thời điểm các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng tại Trung Quốc bị yêu cầu cắt giảm công suất do thiếu điện.


Đơn cử như Doanh nghiệp đầu ngành thép của Việt Nam là Hòa Phát, tính riêng trong tháng 9, sản xuất thép thô của tập đoàn này đạt 686.000 tấn, tăng 20% so với cùng kỳ. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép đạt 738.000 tấn, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước và tăng 7% so với tháng trước. Sản lượng xuất khẩu thép xây dựng kỷ lục 120.000 tấn, gần gấp đôi so với cùng kỳ.


Ngành xi măng cũng có những dấu hiệu khởi sắc kể từ đầu tháng 8 cho tới nay, theo số liệu từ Vụ Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng cho thấy, trong 8 tháng năm 2021, ước tiêu thụ sản phẩm ximăng đạt khoảng 70,77 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, tiêu thụ tại thị trường nội địa đạt khoảng 43,54 triệu tấn, giảm khoảng 5% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu ước đạt khoảng 27,23 triệu tấn, tăng tới 12% so với cùng kỳ.


Tại Việt Nam, đánh giá rủi ro về khả năng thiếu hụt điện sản xuất do giá than tăng cao ở mức thấp nhờ thủy điện chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng công suất phát điện của Việt Nam năm 2020, khoảng 30% và hiện tượng La Nina (mưa nhiều) được kỳ vọng sẽ tiếp tục cho đến hết quý 1/2022, đảm bảo lượng nước cho các nhà máy thủy điện.

Như vậy có thể thấy những yếu tố thuận lợi đang thúc đẩy một cơ hội to lớn dành cho ngành sản xuất thép và xi măng của Việt Nam trong thời gian tới và các doanh nghiệp sản xuất sẽ tiếp tục nắm bắt được cơ hội này để đẩy mạnh nguồn cung xuất khẩu.

T/h