Lý giải nguyên nhân 2 năm dịch nhưng ngành gỗ lại “ăn nên làm ra”?

Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, trong 2 năm 2020 và 2021, mặc dù dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới, nhưng ngành gỗ Việt Nam lại “ăn nên làm ra”. Minh chứng là năm 2020, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 13,23 tỷ USD, tăng 16,2% so với năm 2019.

Vào những tháng nửa cuối năm 2020, giá trị xuất khẩu đồ gỗ bất ngờ tăng mạnh, trung bình đạt trên 1,1 tỷ USD/tháng. Bước sang năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam đặt mục tiêu đạt 14,5 tỷ USD, trong đó chỉ 2 tháng đầu năm đã đạt tương đương 20% của năm 2020 và thêm 1 năm nữa ngành gỗ Việt Nam vượt mục tiêu đề ra. Riêng tại Bình Định, cả năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ đạt kim ngạch xuất khẩu gần 890 triệu USD, tăng 36% so với năm 2020, chiếm khoảng 68% tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh.

Theo giải thích của ông Lập, sở dĩ có chuyện ngành gỗ Việt Nam tăng trưởng mạnh trong bối cảnh dịch giã là do trong thời gian dịch bùng phát, người dân Mỹ và các nước châu Âu hầu hết đều ở nhà do thực hiện giãn cách xã hội. Do ở nhà nhiều nên họ thường tiếp xúc với vật dụng trong nhà, đến lúc ấy họ nhận ra bàn, ghế, tủ trong nhà đã cũ kỹ. Trong khi, vào thời gian ấy họ nhận được từ chính phủ 1 khoản trợ cấp không nhỏ, rủng rỉnh tiền, thế là nhiều gia đình nảy ra ý cần phải thay đổi nội thất để những ngày tháng “bó chân” trong nhà không thấy chán. Thế là họ đã “rộng tay” mua sắm đồ gỗ mới để đổi mới không gian gia đình. Đó là nguyên nhân khiến 2 năm dịch giã mà ngành gỗ Việt Nam phát triển đột biến.

Trong 2 năm 2020 và 2021, thị trường EU và các nước Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản là 5 thị trường xuất khẩu chính của đồ gỗ Việt Nam. Nếu như trong năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam đạt 12,1 tỷ USD thì riêng 5 thị trường nói trên đã chiếm đến 10,78 tỷ USD, chiếm 89,7% giá trị xuất khẩu gỗ và đồ gỗ của Việt Nam trong năm ấy.

“Trong 5 thị trường lớn nói trên, riêng thị trường Mỹ chiếm đến 67% và thị trường EU chiếm 10%, số còn lại là của thị trường Đông Bắc Á và Nam Mỹ. Trong 2 năm ấy, nhiều khách hàng ở Mỹ sợ do đứt gãy chuỗi cung ứng nên đặt hàng không chỉ đủ bán, mà còn đặt thừa so với nhu cầu rất nhiều để lỡ đứt chuỗi cung ứng thì họ cũng có hàng để bán, vì nhu cầu của thị trường khi ấy là rất cao”, ông Đỗ Xuân Lập chia sẻ.


Khó khăn những tháng cuối năm

Bước sang năm 2022, dịch Covid-19 yên ắng dần, những tháng đầu năm ngành gỗ chưa gặp biến động. Thế nhưng từ tháng 7/2022 trở về cuối năm, ngành gỗ lại gặp rất nhiều khó khăn.

Về hiện tượng này, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam giải thích: Sau khi dịch Covid-19 không còn hoành hành, chính sách của nhiều quốc gia thay đổi lớn, đặc biệt là về kinh tế. Theo đó, nhiều quốc gia cắt khoản trợ cấp cho người dân. Tiếp đến xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine khiến giá nhiên liệu tăng đột biến, dẫn tới lạm phát cao.

Trước đó, dịch Covid-19 đã làm đứt gãy chuỗi logistic khiến giá thành sản phẩm tăng cao. Đến khi nền kinh tế các nước đều bị suy thoái do lạm phát thì lúc ấy giá đồ gỗ còn đứng ở mức ngất ngưỡng. Hết tiền trợ cấp, lại khó khăn về tài chính, nên người dân Mỹ và các nước châu Âu dừng mua đồ gỗ để làm mới căn nhà của mình.

Điều này đã dẫn tới tình trạng ùn ứ hàng ở cả 2 đầu. Hàng ùn ứ trong kho người mua, vì trước đó họ đặt hàng nhiều để dự trữ nhưng giờ không còn người mua. Hàng ùn ứ trong kho của nhà sản xuất vì không tiêu thụ được. Hàng ùn ứ trên biển vì thời gian một chuyến hàng từ Việt Nam đi Mỹ bằng đường biển nếu trước đây chỉ có 40 ngày, thì trong thời gian dịch phải đi từ 80 - 120 ngày mới đến nơi. Hàng ùn ứ tại cảng vì chưa kịp giải phóng. Hàng ùn ứ khắp nơi.

Do đó, từ tháng 7/2022 đến nay, các doanh nghiệp ngành gỗ không còn kiếm được đơn hàng mới, nhất là những mặt hàng chế biến sâu như bàn, ghế, tủ, đồ nội thất. Giảm sút nặng nhất là thị trường Mỹ và châu Âu. Chỉ còn những mặt hàng gỗ trung gian như viên nén, dăm gỗ và ván là còn tiêu thụ tốt ở những thị trường Đông Bắc Á và Nam Mỹ.

“Chưa bao giờ ngành gỗ Việt Nam khó khăn như năm nay. Những năm trước đây, thời điểm này các doanh nghiệp ngành gỗ đã nhận đơn hàng cho những tháng đầu năm 2023, thế nhưng đến giờ này nhiều doanh nghiệp vẫn "trắng tay", trong khi hàng tồn kho còn nhiều, phải hạn chế sản xuất, cắt giảm nhân công. Dự báo năm 2022 này, lượng đơn hàng các doanh nghiệp ngành gỗ nhận được từ các thị trường lớn sẽ giảm mạnh so với 2 năm trước”, ông Đỗ Xuân Lập cho biết.

“Hiện tại, ngành gỗ Việt Nam đang tìm nhiều giải pháp để duy trì sản xuất có thể ở mức chấp nhận được. Trọng tâm là đẩy mạnh xu hướng sử dụng gỗ rừng trồng trong nước làm gỗ nguyên liệu để giảm chi phí đầu vào. Đồng thời đa dạng hóa phương thức phân phối sản phẩm, tận dụng thị trường thương mại điện tử để giảm chi phí logistic và khai thác triệt để thị trường nội địa”, ông Đỗ Xuân Lập cho biết.

Theo BNN