Sự kiện đánh dầu cột mốc lần đầu tiên trong lịch sử một quốc gia thực hiện thành công sứ mệnh đưa phi thuyền hạ cánh an toàn xuống cực nam của mặt trăng, khu vực mà con người vốn chưa hiểu rõ.

Kết quả này đã giúp củng cố vị thế của Ấn Độ như một cường quốc toàn cầu trong lĩnh vực không gian, đồng thời hứa hẹn mang lại những tác động kinh tế tích cực trong ngành công nghiệp vũ trụ.

6h4 ngày 23/8 (theo giờ New Delhi), sự phấn khích đã bao trùm đất nước Ấn Độ, khi mô đun Vikram của tàu đổ bộ Chandrayaan-3 đáp thành công xuống bề mặt Mặt Trăng.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhấn mạnh: "Khoảnh khắc này là chưa từng có. Khoảnh khắc này là chiến thắng của Ấn Độ".


Trước đó, một bầu không khí tương tự đã bao trùm thị trường chứng khoán. Theo Bloomberg, cổ phiếu của 13 công ty cung cấp thiết bị từ linh kiện điện tử cho đến bánh răng kim loại dùng trong liên lạc và dẫn đường của tên lửa đã tăng thêm hơn 2,5 tỷ USD giá trị vốn hóa chỉ trong tuần này. Nhiều cổ phiếu đạt mức tăng 2 con số.

"Kết quả này có thể thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế lớn hơn vào các doanh nghiệp Ấn Độ. Các lĩnh vực như viễn thông, viễn thám và định vị vệ tinh sẽ được hưởng lợi, có khả năng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm", bà Sonam Srivastava - Nhà sáng lập Công ty tư vấn đầu tư Wright Research cho biết.


Ngày 23/8, tàu thám hiểm Chandrayaan-3 của Ấn Độ đã thực hiện thành công sứ mệnh đổ bộ xuống Mặt Trăng sau hành trình kéo dài 40 ngày.

Thành công lần này được kỳ vọng sẽ giúp ngành công nghiệp vũ trụ của Ấn Độ khẳng định thế mạnh về mặt hiệu quả và chi phí. Bởi so với các dự án tỷ USD của một số cường quốc khác, Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) có ngân sách khá khiêm tốn, chỉ khoảng 75 triệu USD cho dự án đưa tàu lên Mặt Trăng.

Bà Carla Filotico - Giám đốc điều hành Công ty Spacetec Partners cho biết: "Ấn Độ có thể chế tạo và triển khai các hệ thống, sứ mệnh không gian theo cách rất hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Vì vậy, xét trên góc độ thương mại, các công ty, chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị của Ấn Độ thực sự có thể mang lại những đóng góp rất giá trị cho ngành công nghiệp vũ trụ toàn cầu".

Với sự thúc đẩy của Chính phủ, Ấn Độ đã tư nhân hóa các vụ phóng tàu vào không gian và đang tìm cách mở cửa lĩnh vực này với đầu tư nước ngoài. Hiện tại, ngành công nghiệp vũ trụ của Ấn Độ được định giá 8 tỷ USD với thị phần 2% trong nền kinh tế vũ trụ toàn cầu và đang hướng tới mục tiêu tăng gấp 5 lần cả quy mô lẫn thị phần trong vòng một thập kỷ tới.

Theo VTV