Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra mới đây, ông Craig Bradshaw, Tổng Giám đốc Masan High-Tech Materials khẳng định: Tỷ lệ tái chế Vonfram gia tăng góp phần giúp doanh nghiệp này đạt kỷ lục về doanh thu năm 2022, với 15.550 tỷ đồng, tăng 1.985 tỷ đồng - tương đương gần 15% so với năm 2021.

Mở rộng tái chế phế liệu

Năm 2022, sản lượng Vonfram từ hoạt động tái chế của H.C. Starck (công ty thành viên của Masan High-Tech Materials) tăng 13% thông qua việc tập trung vào tăng sản lượng từ nguồn cung thứ cấp (tái chế phế liệu), phù hợp với định hướng chiến lược của Masan High-Tech Materials là “giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế”. Ngoài việc đáp ứng 9% nhu cầu về các sản phẩm Vonfram trên toàn cầu, Masan High-Tech Materials còn là nhà tái chế phế liệu Vonfram lớn nhất châu Âu, chiếm tới 14% sản lượng tái chế toàn cầu, thành các sản phẩm và vật liệu có chứa Vonfram mới.

Mới đây nhất, Masan High-Tech Materials công bố 2 thương hiệu bột Vonfram đăng ký bản quyền toàn cầu gồm: ‘starck2charge®’ - sử dụng trong sản xuất pin Li-ion sạc nhanh, an toàn, được kỳ vọng sẽ đóng góp quan trọng cho ngành sản xuất ô tô điện toàn cầu và ‘starck2print®’ - sản phẩm hỗn hợp bột Vonfram phục vụ các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ in 3D, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế.

Theo ông Craig Bradshaw, không dừng lại ở những sản phẩm này, tại Đức, Masan High-Tech Materials đang tập trung nâng công suất tái chế vật liệu pin thải. Cụ thể, vật liệu pin thải là những gì còn sót lại trong pin khi đã bỏ đi phần vật liệu cứng. Nguồn pin thải này có thể thu gom từ các sản phẩm điện thoại, máy tính, iPad, xe điện… sau quá trình sử dụng.

Trong khi đó, theo Hiệp hội Công nghiệp Vonfram thế giới (ITIA), tỷ lệ tái chế phế liệu cácbua xi-măng có thể lên tới 80%, trong khi các chất xúc tác sử dụng có chứa Vonfram lại thường được chất đống tại các bãi chất thải nguy hại.

Bằng các dự án nghiên cứu và thí nghiệm mô phỏng, đến nay, Masan High-Tech Materials đã phát triển và hoàn thiện quy trình tái chế, cho phép thu hồi toàn bộ: Lithium, niken, đồng, coban, mangan từ các sản phẩm pin thải; đồng thời phát triển các công thức tinh luyện đặc thù, nhằm đạt được hiệu quả thu hồi Vonfram cao hơn.

Những thành tựu công nghệ này giúp Masan High-Tech Materials không còn phụ thuộc vào khai thác khoáng sản trong tự nhiên, mà cho phép Công ty đẩy mạnh mô hình kinh doanh tuần hoàn thông qua khai thác mỏ phế thải ngay tại khu vực đô thị; thu gom, xử lý chất thải sản xuất và tái chế phế liệu; trả lại nguyên liệu sản xuất, các tài sản cuối vòng đời trở thành nguồn nguyên liệu tạo ra các vật liệu mới, sản phẩm mới.

Đây cũng là động lực khiến Masan High-Tech Materials tự tin cam kết trước cổ đông, trong năm nay, doanh nghiệp này tập trung xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn tích hợp đầy đủ chuỗi chu trình khép kín. Đồng thời đặt mục tiêu đạt doanh thu 16.500-18.200 tỷ đồng, tăng 6-17% so với năm 2021.


Đưa Việt Nam trở thành trung tâm tái chế Vonfram hàng đầu khu vực

Một trong những thông điệp được lãnh đạo Masan High-Tech Materials liên tục khẳng định và nhấn mạnh tại Đại hội đồng cổ đông năm nay, đó chính là động lực thôi thúc doanh nghiệp này tạo ra cuộc cách mạng về năng lượng tái tạo, nguyên liệu mới, tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Đặc biệt, Masan High-Tech Materials luôn kiên định mục tiêu giữ vị thế là nhà cung cấp vật liệu công nghệ cao và bền vững hàng đầu thế giới.

Hiện nay, các sản phẩm vật liệu của Masan High-Tech Materials đã tiếp cận thị trường toàn cầu. Cụ thể, 45% số sản phẩm của Công ty được bán ở châu Âu, 22% được bán ở khu vực Bắc Mỹ, 18% được bán ở Trung Quốc và sản xuất tại Trung Quốc cho thị trường Trung Quốc; 15% được bán ở các nước còn lại trên thế giới.

Masan High-Tech Materials có mạng lưới khách hàng rộng khắp, với hơn 300 khách hàng ở 30 quốc gia khác nhau. Đặc biệt, các nền kinh tế công nghiệp lớn như: Châu Âu, Mỹ và Nhật Bản hiện đã phân loại vonfram, florit, bismut là những vật liệu thiết yếu, cần phải có chiến lược về nguồn cung.

Cũng theo ông Craig Bradshaw, để bổ sung thêm nguồn cung vật liệu công nghệ cao từ tái chế, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường thế giới, ngoài H.C. Starck tại Đức, Masan High-Tech Materials đang xúc tiến triển khai Dự án xây dựng Nhà máy tái chế Vonfram đầu tiên và lớn nhất châu Á tại Thái Nguyên.

Masan High-Tech Materials đang nghiên cứu khả thi để phát triển quy trình xử lý bước đầu tại Nhà máy chế biến Vonfram, cho phép nung phế liệu tại Việt Nam thay vì nung chúng ở nơi khác sau đó đưa về Việt Nam.

Chia sẻ về tầm nhìn chiến lược trong tương lai, ông Danny Le - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Masan High-Tech Materials, cho rằng: “Trong một tương lai không xa, Masan High-Tech Materials không những là nhà cung ứng vật liệu công nghệ cao hàng đầu thế giới, mà còn trực tiếp tham gia, dẫn dắt thị trường các sản phẩm tiêu dùng công nghệ toàn cầu. Chúng tôi tự tin làm chủ nền tảng tái chế Vonfram đẳng cấp, toàn diện và thân thiện với môi trường, đồng thời tạo ra nguồn nguyên vật liệu mới. Đây chính là trụ cột chiến lược mang lại thành công của Masan High-Tech Materials trong hiện tại và tương lai”.