Tái cấu trúc hạ tầng thương mại

Trước bối cảnh vận tải biển toàn cầu đang đối mặt với nhiều bất ổn và áp lực từ nhu cầu gia tăng khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, Malaysia đang tập trung tái cấu trúc hạ tầng thương mại. Một trong những sáng kiến nổi bật là đầu tư vào Cảng nội địa Perlis (Perlis Inland Port - PIP), kết hợp với việc nâng cấp mạng lưới đường sắt xuyên biên giới.

PIP được định vị như một trung tâm logistics hiện đại, có khả năng xử lý khối lượng lớn hàng hóa từ các quốc gia lân cận, đặc biệt là Thái Lan và Trung Quốc, tạo nên một hệ thống vận tải tích hợp và tiết kiệm chi phí.

Cảng nội địa mới Perlis làm trụ cột thương mại phía Bắc

Cảng nội địa Perlis (Perlis Inland Port - PIP), tọa lạc tại Chuping, gần biên giới Padang Besar giáp Thái Lan, nằm ở trung tâm của quá trình chuyển đổi hạ tầng tại Malaysia. Với khoản đầu tư lên tới 492 triệu Ringgit (tương đương 112 triệu USD), cảng này được thiết kế để trở thành cảng khô có khả năng xử lý tới 300.000 TEU mỗi năm sau khi hoàn tất giai đoạn 1 vào quý III/2025.

Công suất này gấp đôi khả năng hiện tại của ga Padang Besar, nhấn mạnh vai trò của PIP như một trung tâm trung chuyển lớn cho khu vực Bắc bán đảo Malaysia. Cảng này sẽ tích hợp các chức năng gom hàng, thông quan, logistics Halal và kho lạnh, đặc biệt phù hợp với các mặt hàng xuất khẩu cần bảo quản và giao hàng nhanh như thực phẩm nông sản, linh kiện điện tử.

Perlis Inland Port không chỉ là một dự án đường sắt mà còn được thiết kế để tích hợp logistics đa phương thức, bao gồm vận chuyển đường bộ, dịch vụ trung chuyển đến cảng Penang, và khả năng kết nối với các trung tâm hàng không tại Kedah và Penang trong tương lai. Điều này mang lại sự linh hoạt cho các nhà xuất khẩu Malaysia trong việc lựa chọn phương thức vận chuyển nhanh nhất hoặc tiết kiệm nhất.

Dự án Cảng nội địa Perlis (PIP) tại Chuping (Malaysia) là bước đi chiến lược nhằm đưa Perlis trở thành thành phố biên giới và trung tâm hậu cần quốc tế, nằm trong kế hoạch phát triển Hành lang Kinh tế phía Bắc (NCER), thúc đẩy thương mại Malaysia - Thái Lan và mở rộng kết nối logistics khu vực ASEAN.

Nâng cấp mạng lưới đường sắt Malaysia – Thái Lan

Song song với dự án PIP, Malaysia và Thái Lan đang phối hợp nâng cấp tuyến đường sắt xuyên biên giới. Đáng chú ý là dự án nâng cấp đoạn đường sắt Hat Yai – Padang Besar dài 45 km, với vốn đầu tư 6,6 tỷ baht (190 triệu USD) từ Thái Lan, cho phép vận hành hơn 20 chuyến tàu hàng mỗi ngày.

Malaysia cũng đang triển khai dự án Đường sắt Bờ Đông (ECRL) trị giá 10 tỷ USD, với chiều dài 665 km, kết nối bờ đông và bờ tây Malaysia. Hệ thống này không chỉ tăng cường vận tải nội địa mà còn mở rộng khả năng kết nối với Thái Lan và Lào, hướng tới Trung Quốc, tạo nên một mạng lưới giao thương hiệu quả hơn.

Lợi ích kinh tế khu vực và những thách thức

Hệ thống hạ tầng này kỳ vọng thúc đẩy thương mại song phương Malaysia – Thái Lan, hướng tới mục tiêu kim ngạch 30 tỷ USD vào năm 2027. Đồng thời, nó cũng hỗ trợ chương trình Phát triển khu kinh tế miền Bắc (NCER) của Malaysia, nhằm xây dựng các cụm logistics và sản xuất năng suất cao tại Perlis, Kedah, Penang và Perak.

Trên quy mô ASEAN, việc cải thiện hạ tầng giúp giảm các rào cản phi thuế quan, thúc đẩy hội nhập khu vực. Malaysia cũng tích hợp mạng lưới Đường sắt Liên Á (Pan-Asia Railway Network), kết nối Trung Quốc với Đông Nam Á.

Dù đã ghi nhận những bước tiến đáng kể, Malaysia vẫn đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm tiến độ triển khai dự án, sự khác biệt về khổ đường ray, và tủ tục hải quan không đồng nhất giữa các quốc gia.

Bên cạnh đó, sự cạnh tranh từ các cảng lớn trong khu vực như Tuas (Singapore), các cảng nước sâu của Việt Nam, hay các trung tâm logistics của Indonesia cũng đè nặng áp lực cạnh tranh lên Malaysia.

Những nỗ lực đầu tư hạ tầng logistics của Malaysia diễn ra trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang tái cấu trúc, đây là cơ hội lớn để quốc gia này thế hiện vai trò trung tâm logistics khu vực. Nếu các dự án được triển khai hiệu quả, Malaysia có thể trở thành một cửa ngõ quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu, tăng cường kết nối thương mại và kinh tế trong khu vực ASEAN và xa hơn.

Theo ALS