Loongson Technology Corp - Hãng thiết kế CPU hàng đầu Trung Quốc được sáng lập bởi  Hu Weiwu - một nhà nghiên cứu làm việc tại Viện Công nghệ Máy tính của Viện Khoa học Trung Quốc. Loongson niêm yết tại sàn chứng khoán Thượng Hải mới đây đã phản hồi thông tin cho các nhà đầu tư của Hãng về việc đánh giá quy trình sản xuất chip 7 nanomet tiên tiến từ một số xưởng đúc để sản xuất chip tương lai của mình.

Các chip mới sẽ bao gồm GPU như những gì được cung cấp bởi hãng dẫn đầu ngành là Nvidia (đang bị hạn chế bán các chip cao cấp của mình cho khách hàng Trung Quốc) và CPU (bộ xử lý trung tâm), thị trường mà Intel và AMD thống trị.

Các bình luận này được đưa ra một tuần sau khi Loongson Technology Corp (trụ sở tại Bắc Kinh) bị Cục Công nghiệp và An ninh Mỹ (BIS) thêm vào danh sách đen thương mại (danh sách thực thể) cùng với 26 thực thể Trung Quốc khác. Các nhà xuất khẩu Mỹ phải xin giấy phép đặc biệt từ chính quyền Biden để bán sản phẩm cho các công ty trong danh sách thực thể.

Với Loongson Technology Corp, sứ mệnh luôn là giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào các công nghệ Mỹ. Khi các nhà đầu tư đưa ra câu hỏi về sự phát triển sản phẩm của Loongson Technology Corp và tác động của các lệnh trừng phạt từ Mỹ, công ty này cho biết những hạn chế mới nhất sẽ không có bất kỳ tác động đáng kể nào, theo hồ sơ công khai.

Những nhà phân tích nói các biện pháp trừng phạt của Mỹ với Loongson Technology Corp ít rộng rãi hơn so với những gì chính quyền Biden áp đặt lên với gã khổng lồ viễn thông Huawei, nhưng những nỗ lực của nhà thiết kế chip để mua dịch vụ đúc có thể bị hủy hoại nếu các công nghệ có nguồn gốc từ Mỹ được sử dụng trong quy trình sản xuất.

Stewart Randall, người đứng đầu bộ phận điện tử và phần mềm nhúng tại công ty tư vấn Intralink, cho biết: “Nếu một công ty không có khả năng truy cập vào các quy trình tốt nhất thì tại sao phải thiết kế những con chip tiên tiến nhất”.

Loongson Technology Corp đã ra mắt CPU 3A5000 của riêng mình vào cuối năm 2020, được sản xuất trên quy trình 14 nanomet, theo bản cáo bạch cho đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở Thượng Hải vào năm ngoái, trong đó công ty huy động được 2,46 tỉ nhân dân tệ (357 triệu USD).

Từ năm 2019 đến 2021, Loongson Technology Corp đã nhờ sản xuất hơn một nửa số chip của mình tại xưởng đúc giấu tên có mã là BP00, theo bản cáo bạch của công ty.

Loongson Technology Corp đã cảnh báo vào thời điểm đó rằng nguồn cung cấp linh kiện đúc của họ có thể bị gián đoạn do “những thay đổi căn bản” trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu.

Tại Trung Quốc, xưởng đúc duy nhất có khả năng sản xuất chip 14 nanomet là SMIC (nhà sản xuất chip số 1 Trung Quốc). SMIC được cho là có thể sản xuất chip 7 nanomet vào năm 2022, nhưng công ty có trụ sở tại Thượng Hải chưa bao giờ chính thức phủ nhận hay thừa nhận bước đột phá này.


Loongson Technology Corp là nhà thiết kế CPU hàng đầu Trung Quốc, có sứ mệnh giúp nước này giảm sự phụ thuộc vào Intel và AMD - Ảnh: Shutterstock

Ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc chắc chắn sẽ có thêm nhiều hỗ trợ hơn nữa. Chính quyền Trung Quốc cam kết huy động thêm nguồn lực để hỗ trợ cho sự phát triển của các công nghệ được coi là quan trọng trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng gay gắt.

Là một phần của kế hoạch cải cách rộng lớn hơn, Bắc Kinh đã phê chuẩn việc đại tu Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc trong cuộc họp chính trị thường niên của đất nước vừa kết thúc vào đầu tuần này. Sun Yutao, giáo sư kinh tế tại Đại học Công nghệ Đại Liên, cho biết việc tái cấu trúc sẽ loại bỏ một số nhiệm vụ của Bộ và buộc nó phải tập trung vào việc biến nghiên cứu khoa học thành công nghệ cho sản xuất công nghiệp.

Tuy nhiên, những người trong ngành chip cho biết sự phụ thuộc của Trung Quốc vào nước ngoài, đặc biệt là vào các công cụ tiên tiến và vật liệu cao cấp, khó giảm trong thời gian ngắn.

Loongson Technology Corp được thành lập vào năm 2001 với tư cách là một nhóm nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, đỉnh cao của đất nước về nghiên cứu khoa học và công nghệ. Loongson Technology Corp được tách ra thành một thực thể riêng biệt vào năm 2010 để thương mại hóa nghiên cứu phát triển chip của mình.

Loongson Technology Corp hiện tự vận hành như một công ty bán dẫn, chủ yếu cung cấp CPU, máy chủ dựa trên chip của riêng mình và kiến trúc tập lệnh (ISA) được gọi là kiến trúc Loongson (LoongArch), dựa trên nguyên tắc máy tính với tập lệnh đơn giản hóa (RISC) chi phối các quy tắc tính toán cơ bản của CPU.

Loongson Technology Corp đã được cấp phép các công nghệ từ MIPS Computer Systems (Mỹ) vào năm 2011 và 2017, cho phép công ty Trung Quốc phát triển, sản xuất và bán chip dựa trên kiến trúc tập lệnh MIPS. Các chip dựa trên kiến trúc tập lệnh MIPS chiếm 70% tổng doanh số bán hàng của Loongson Technology Corp từ năm 2019 đến 2021, theo bản cáo bạch của hãng.

Loongson Technology Corp đã bị đình chỉ việc gia hạn thỏa thuận cấp phép MIPS vào tháng 4.2020 do tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ với CIP United, công ty bán dẫn có trụ sở tại Thượng Hải.

CIP United đã đưa Loongson Technology Corp ra tòa, cáo buộc rằng cả LoongArch và CPU 3A5000 đều vi phạm bản quyền của mình sau khi CIP United mua lại danh mục tài sản trí tuệ từ MIPS. Các vụ kiện liên quan đến 60 triệu nhân dân tệ, vẫn đang được xử lý tại tòa án dân sự Bắc Kinh, theo hồ sơ chứng khoán Loongson Technology Corp hồi tháng 3.

Loongson Technology Corp đã chuyển hướng sang kiến trúc Loongson của mình trong quá trình phát triển CPU thế hệ tiếp theo, được gắn nhãn 3A6000 và 3A7000. Loongson Technology Corp cho biết kiến trúc của họ tương thích với kiến trúc X86 độc quyền của Intel, tập lệnh Arm và kiến trúc tập lệnh phần cứng mã nguồn mở RISC-V, đã nhận thấy sự quan tâm ngày càng tăng của các công ty Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung đang diễn ra.

Loongson Technology Corp cho biết đặt mục tiêu xây dựng một “hệ sinh thái độc lập” với kiến trúc Loongson, hệ điều hành Loongnix, CPU và tài sản trí tuệ để cạnh tranh với hệ sinh thái Arm-Android và Intel-Microsoft đang thống trị.

Theo Sơn Vân - MTG