Thông tin mới nhất từ Bộ NN&PTNT, chỉ
trong tháng 9 vừa qua, xuất khẩu rau quả thu về gần 1,2 tỷ USD, tăng mạnh 72,5%
so với tháng cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, đây cũng là lần đầu tiên trong
lịch sử ngành hàng rau quả ghi nhận kim ngạch xuất khẩu 1 tháng vượt qua mốc 1
tỷ USD. Con số này cũng vượt xa kim ngạch của ngành thuỷ sản (920 triệu USD) và
gần bằng nhóm gỗ và sản phẩm gỗ (1,25 tỷ USD) trong tháng 9 vừa qua.
Tính đến hết tháng 9/2024, xuất khẩu rau
quả "ôm" về gần 5,9 tỷ USD, tăng 39,4% so với cùng kỳ năm 2023. Con số
này chính thức xô đổ kỷ lục lịch sử 5,6 tỷ USD của cả năm 2023.
Không chỉ toàn ngành rau quả lập kỷ lục thu tiền nhiều nhất lịch sử, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng báo tin, xuất khẩu sầu riêng thu về 2,5 tỷ USD chỉ trong 9 tháng năm nay theo ước tính sơ bộ của hiệp hội. Tức kim ngạch xuất khẩu loại "trái cây vua" đã xô đổ kỷ lục 2,24 tỷ USD của cả năm 2023.
Trong 3 tháng còn lại của năm nay, dự báo
xuất khẩu thế mạnh này của nước ta vẫn sẽ duy trì đà tăng trưởng mạnh. Bởi rất
nhiều loại rau quả, trái cây có sản lượng lớn vào vụ thu hoạch. Trong đó, sầu
riêng tháng 10 vào vụ thu hoạch ở những vùng trồng có sản lượng lớn như Gia Lai
và Lâm Đồng, còn nghịch vụ ở các tỉnh miền Tây cũng sẽ cho thu hoạch vào các
tháng cuối năm nay.
Trong top 10 thị trường chính xuất khẩu
rau quả Việt Nam, hầu hết đều ghi nhận mức tăng trưởng mạnh, trừ Hà Lan. Trung
Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu 8 tháng năm 2024 đạt
hơn 3 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo sau là Mỹ, Hàn Quốc và Thái Lan với
giá trị nhập khẩu tăng trưởng mạnh từ 35-90%. Ngoài ra, xuất khẩu sang thị trường
Đức cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Các doanh nghiệp xuất khẩu cho biết, rau
quả Việt ngày càng khẳng định được vị thế tại các thị trường lớn như Mỹ, Trung
Quốc và Hàn Quốc. Đặc biệt, người tiêu dùng Trung Quốc rất ưa chuộng sầu riêng,
chuối và xoài Việt Nam. Tại Mỹ, nông sản Việt cũng có sự thuận lợi hơn khi tiếp
cận thị trường này 9 tháng qua.
Tại Lễ hội trái cây Việt Nam lần thứ nhất
vừa được tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh
Nam giới thiệu: "Trái cây Việt Nam không chỉ là món quà tuyệt vời từ thiên
nhiên mà còn là sứ giả của nông sản Việt Nam, mang đậm nét văn hóa của người Việt".
Ông cho biết, hiện tại, đã có 12 loại trái
cây của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu năm
nay ước đạt 4,5 tỷ USD.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, xuất khẩu rau
quả sang thị trường Trung Quốc bùng nổ đóng vai trò quan trọng để thế mạnh Việt
này có thể thu về 7 tỷ USD trong năm nay như mục tiêu đã đề ra trước đó.
Thị trường Trung Quốc có thể mang về 10 tỷ
USD
Thời gian gần đây, với những nỗ lực của
các bộ, ngành, trái cây Việt liên tiếp nhận được "visa" vào các thị
trường lớn. Đơn cử, cuối tháng 8 vừa qua, Mỹ và Việt Nam hoàn tất đàm phán kỹ
thuật để chanh leo được cấp phép năm tới. Đầu tháng 9, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ
NN&PTNT) cũng công bố thông tin chanh leo Việt Nam chính thức được xuất khẩu
sang thị trường Úc.
Thời điểm trung tuần tháng 8, Việt Nam đã
ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh và dừa tươi sang Trung Quốc. Đây
đều là những loại trái cây mà nước ta có thế mạnh về sản xuất, sản lượng nằm
trong top đầu thế giới.
Tại "Diễn đàn giao thương, kết nối
chuỗi cung ứng xuất nhập khẩu trái cây Việt Nam - Trung Quốc", các doanh
nghiệp hai nước đã có những ký kết để đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang thị trường
tỷ dân này trong thời gian tới. Theo đó, doanh nghiệp phía Trung Quốc cho biết,
họ có nhu cầu mua những loại trái cây Việt Nam như thanh long, dừa, sầu riêng,
xoài.
Cùng với đó, mong muốn mua được sầu riêng đông lạnh Việt Nam khi có giấy tờ xuất khẩu chính ngạch, mua bưởi xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.
Theo ông Cố Triệu Học, Phó Tổng Giám đốc
Trung tâm Phân phối nông sản Tân Phát Địa (Bắc Kinh, Trung Quốc), nông sản Việt
Nam ngày càng nổi bật tại thị trường phía Bắc của quốc gia này. Các loại trái
cây của Việt Nam như xoài, chuối, thanh long, sầu riêng… được người tiêu dùng
ưa thích.
Đời sống của người dân Trung Quốc đang được
cải thiện, nhu cầu đối với các sản phẩm nông sản chất lượng cao cũng gia tăng.
Thế nên, nông sản Việt có nhiều cơ hội để mở rộng thị phần tại Trung Quốc, đặc
biệt là trái cây Việt Nam với hương vị thơm ngon và đặc biệt, ông Học nhận định.
Cho rằng trái cây Việt Nam có tiềm năng rất
lớn tại thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ
thực vật chỉ rõ, điểm mạnh của chúng ta là chất lượng và hương vị đặc trưng của
trái cây nhiệt đới, được trồng trong điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng đặc thù của
Việt Nam.
Với những tín hiệu tích cực, ông Hiếu dự
đoán xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc sẽ đạt từ 4,5-5 tỷ USD trong
năm 2024. Trong đó, mặt hàng sầu riêng dự kiến đạt hơn 3 tỷ USD khi kết thúc
năm.
Đáng chú ý, với xu hướng tăng trưởng như
hiện tại và nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng của thị trường Trung Quốc, ông Hiếu
cho biết, các chuyên gia dự đoán rau quả Việt Nam có tiềm năng đạt mốc xuất khẩu
10 tỷ USD trong một vài năm tới.
Song lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật cũng lưu
ý điều quan trọng hàng đầu là phải tạo ra và mang đến những giá trị thực sự của
trái cây Việt Nam tới người tiêu dùng Trung Quốc. Chất lượng sản phẩm, hương vị
đặc trưng và an toàn vệ sinh thực phẩm chính là những giá trị cốt lõi mà chúng
ta cần tập trung phát triển và duy trì.
"Khi người tiêu dùng Trung Quốc nhận
thức được những giá trị này, họ sẽ trở thành những khách hàng trung thành, tạo
nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài của ngành trái cây Việt Nam",
ông Hiếu nhấn mạnh.
VNN