Vượt tiến độ 4 tháng, không đội vốn
Sáng ngày 30/8, tại
Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới dự và cắt băng khánh thành cầu
Vĩnh Tuy - giai đoạn 2.
Phát biểu tại lễ
khánh thành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, thời gian qua, TP Hà
Nội đã triển khai nhiều giải pháp đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao
thông, theo đúng quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050, trong đó, cầu Vĩnh
Tuy giai đoạn 2 là một trong những dự án giao thông trọng điểm của Hà Nội.
“Sau
khi hoàn thành giai đoạn 2, cầu Vĩnh Tuy là cây cầu có mặt cắt chiều rộng lớn
nhất của TP Hà Nội bắc qua sông Hồng. Việc hoàn thành cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2
góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lưu thông, giải quyết áp lực cho
giao thông Thủ đô, từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông Hà Nội theo quy hoạch”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, cầu
Vĩnh Tuy giai đoạn 2 được thi công trong điều kiện khó khăn như dịch Covid-19
kéo dài, biến động trượt giá nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị TP
Hà Nội, sự ủng hộ quan tâm của cơ quan Trung ương và sự đổi mới tư duy dám nghĩ
dám làm khắc phục khó khăn về địa chất thủy văn, thời tiết.
Nhà thầu thi công tổ
chức làm việc liên tục tăng ca kíp, không kể ngày đêm. Sau gần 3 năm thi công,
tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đã hoàn
thiện vượt tiến độ 4 tháng, không đội vốn. Đây là cố gắng lớn của chủ đầu tư và
UBND TP Hà Nội.
“Hà Nội đang tập
trung triển khai dự án Vành đai 4 với một số cầu như Hồng Hà, Tứ Liên, Vân
Phúc... Do vậy, thành phố cần tập trung nghiên cứu để làm sao cầu không chỉ giải
quyết giao thông mà còn là một sản phẩm du lịch độc đáo, một điểm nhấn về du lịch”,
Thủ tướng chỉ đạo.
Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn
2 được xây dựng theo quy hoạch nhằm hoàn thiện toàn bộ đường Vành đai 2 của TP
Hà Nội, tăng cường khả năng lưu thông giữa hai bên bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu
vận tải ngày một tăng nhanh giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông
Bắc thành phố.
Cầu nằm phía hạ lưu
sông Hồng, song song cầu giai đoạn 1, với hình dáng tương tự cầu giai đoạn 1. Tổng
chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 3.473m. Điểm đầu giao với đường Nguyễn Khoái
và đường Minh Khai, điểm cuối giao với đường Long Biên - Thạch Bàn, đường Cổ
Linh.
Sắp tới, Thủ tướng đề
nghị Hà Nội và các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện đồ án Quy hoạch
chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt làm cơ sở triển khai thực hiện.
Khẩn trương nghiên cứu tổng thể giải pháp kết nối giao thông của thành phố Hà Nội, nhất là xử lý các điểm nghẽn giao thông, vệ sinh môi trường; phân bổ, quy hoạch lại dân cư để giảm tải ùn tắc ở khu vực trung tâm; trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư cầu Tứ Liên trong năm 2024, triển khai đầu tư xây dựng giai đoạn từ nay đến năm 2025.
Đối với các dự án
đang triển khai, Thủ tướng đánh giá dự án giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4
cơ bản hoàn thành. Sau đây, các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ,
giảm bớt thủ tục hành chính, triển khai đầu tư nhanh dự án phần đầu tư công; tiếp
tục khởi công các cầu như Hồng Hà, Mễ Sở trong năm 2024; chú trọng vấn đề mỹ
thuật công trình khi thiết kế, nhất là cây cầu ở Hà Nội cũng là một sản phẩm du
lịch, nâng tầm văn hoá, điều kiện tự nhiên, xã hội, mang tính đặc trưng, xứng tầm
với Thủ đô Hà Nội, góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh.
Góp
phần giảm ùn tắc, TNGT
Trước đó, phát biểu tại
buổi lễ, ông Dương Đức Tuấn - Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: Việc triển
khai dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy-giai đoạn 2 là hết sức cần thiết, góp
phần hoàn chỉnh tuyến đường Vành đai 2 theo quy hoạch. Sau khi hoàn thành đưa
vào sử dụng, cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2 sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông và
tai nạn giao thông trên tuyến.
Những chiếc xe di chuyển trên cầu Vĩnh Tuy giai đoạn
2 ngay sau lễ khánh thành.
Để phát huy hiệu quả
dự án, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở GTVT cùng với CATP Hà Nội, Ban
QLDA tổ chức ngay việc phân làn, hướng dẫn giao thông để nhân dân đi lại thuận
tiện.
Đồng thời rà soát việc
tổ chức giao thông tại các tuyến đường, nút giao liên quan để xem xét, điều chỉnh
tổ chức giao thông cho phù hợp; đặc biệt là sớm triển khai dự án hầm chui nút
giao Cổ Linh - Đàm Quang Trung.
Đại diện các nhà thầu,
ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập
khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cho biết, đã áp dụng các giải pháp thi
công tiên tiến nhất, thi công "3 ca, 4 kíp" không kể ngày đêm.
Tất cả những nỗ lực
đó đã góp phần đưa dự án hoàn thành vượt tiến độ khoảng 6 tháng so với kế hoạch
và giảm thời gian khoảng 1,5 năm so với quá trình xây dựng cầu Vĩnh Tuy - giai
đoạn 1, bảo đảm chất lượng thi công, thẩm mỹ công trình và an toàn lao động tuyệt
đối.
Sau khi cầu Vĩnh Tuy
giai đoạn 2 được đưa vào khai thác, Hà Nội đang có 9 cầu bắc ngang sông Hồng, gồm:
Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy giai đoạn 1, Vĩnh Tuy giai đoạn 2, Thanh
Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Long Biên và Văn Lang.
Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, giai đoạn tới, trên địa bàn Hà Nội sẽ xây dựng thêm 9 cây cầu vượt sông Hồng để kết nối giao thông thuận lợi, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân gồm: Mễ Sở, Hồng Hà, Thăng Long mới, Tứ Liên, Thượng Cát, Ngọc Hồi, Trần Hưng Đạo, Phú Xuyên, Vân Phúc.
BGT