ISO 50001 là tiêu chuẩn quản lý năng lượng có phạm vi áp dụng rộng rãi trên toàn cầu. Tiêu chuẩn được Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) ban hành lần đầu năm 2011 và cập nhật gần nhất vào năm 2018. Tiêu chuẩn này cung cấp một khuôn khổ hệ thống nhằm giúp các tổ chức cải tiến hiệu suất năng lượng thông qua việc thiết lập chính sách, mục tiêu, kế hoạch hành động và cơ chế giám sát rõ ràng.
ISO 50001 giúp doanh nghiệp hình thành một văn
hóa sử dụng năng lượng có trách nhiệm, bền vững và liên tục cải tiến, thông qua
nguyên tắc "Kế hoạch - Thực hiện - Kiểm tra - Hành động" (PDCA). Điều
này đảm bảo rằng tiết kiệm năng lượng không chỉ là mục tiêu một lần, mà là một
quá trình phát triển lâu dài gắn liền với hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Việc áp dụng
ISO 50001 không chỉ đơn thuần giúp giảm
chi phí sản xuất mà còn góp phần bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh năng lượng,
tạo dựng hình ảnh doanh nghiệp xanh, thân thiện với môi trường trong mắt đối
tác và người tiêu dùng. Theo số liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), các tổ
chức áp dụng ISO 50001 một cách bài bản có thể cắt giảm từ 5-30% chi phí năng
lượng hàng năm, tùy vào mức độ tiêu thụ và tính chất ngành nghề. Quan trọng
hơn, tiêu chuẩn này giúp doanh nghiệp giảm phát thải CO₂ và các khí nhà kính độc
hại khác, từ đó góp phần vào mục tiêu toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh
đó, trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản ngày
càng siết chặt quy định về phát thải carbon và truy xuất nguồn gốc năng lượng,
việc sở hữu chứng nhận ISO 50001 còn giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh
tranh, đáp ứng yêu cầu chuỗi cung ứng xanh và tiếp cận dễ dàng hơn với các gói
tín dụng xanh, vốn vay ưu đãi.
Từ nhận thức
đến hành động
Tại Việt
Nam, nhận thức về vai trò của quản lý năng lượng đã được cải thiện rõ rệt trong
những năm gần đây. Nhiều doanh nghiệp lớn trong các ngành công nghiệp nặng, chế
biến - chế tạo, thực phẩm, may mặc, điện tử... đã chủ động tiếp cận và áp dụng
ISO 50001 như một phần của chiến lược phát triển bền vững.
Công ty CP
Thép Hòa Phát Dung Quất, một trong những đơn vị tiêu biểu trong ngành luyện
kim, đã triển khai hệ thống ISO 50001 từ năm 2022. Nhờ áp dụng các giải pháp đồng
bộ về tối ưu hóa vận hành lò cao, tận dụng nhiệt thải và hệ thống kiểm soát tự
động, doanh nghiệp đã giảm tiêu hao điện năng hơn 10%, tương đương tiết kiệm
hàng chục tỷ đồng mỗi năm và cắt giảm hơn 50.000 tấn khí CO₂ thải ra môi trường.
Trong lĩnh
vực thực phẩm - đồ uống, Công ty Cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk đã xây dựng hệ
thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001 trên 100% các nhà máy của
mình. Vinamilk tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng sạch, có thể tái tạo như
khí CNG, năng lượng từ biomass và năng lượng mặt trời. Tỷ lệ năng lượng xanh
chiếm 86,8% trong hoạt động sản xuất của Vinamilk, góp phần hiện thực hóa mục
tiêu đưa phát thải ròng về mức 0 vào năm 2050.
Tính đến hết năm 2021, toàn bộ 12 trang trại của Vinamilk đều sử dụng hệ
thống điện mặt trời.
Tương tự,
Nestlé Việt Nam cũng là doanh nghiệp tiên phong áp dụng ISO 50001 tại các nhà
máy ở Đồng Nai, Hưng Yên và Tiền Giang. Theo đại diện Nestlé, việc quản lý năng
lượng không chỉ dừng ở giảm chi phí mà còn nằm trong cam kết toàn cầu của tập
đoàn về đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Bên cạnh
các doanh nghiệp lớn, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực dệt may như
Công ty TNHH May mặc Dony (TP.HCM) cũng đang từng bước tiếp cận tiêu chuẩn ISO
50001 với sự hỗ trợ từ các chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm
và hiệu quả, cũng như các tổ chức phát triển quốc tế.
Giải quyết
thách thức trong chuyển đổi
Mặc dù ISO
50001 được đánh giá là công cụ quản lý năng lượng hiệu quả và toàn diện, nhưng
việc triển khai tiêu chuẩn này tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều hạn chế. Nguyên
nhân chủ yếu đến từ thiếu hụt kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm trong việc tiếp
cận theo hướng hệ thống. Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp trong các ngành sử dụng
nhiều năng lượng vẫn chủ yếu tập trung vào các giải pháp kỹ thuật đơn lẻ, như cải
tiến hiệu suất của nồi hơi, máy nén khí, chiller, mô-tơ, máy bơm, tủ lạnh… Các
giải pháp này thường chỉ mang lại mức tiết kiệm từ 2% đến 5%. Trong khi đó, nếu
áp dụng phương pháp quản lý năng lượng bài bản theo tiêu chuẩn ISO 50001, doanh
nghiệp có thể tối ưu hóa toàn diện hệ thống, qua đó nâng hiệu quả tiết kiệm
năng lượng lên mức 10% đến 30%.
Để vượt
qua rào cản này, Bộ Công Thương trong
khuôn khổ Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP), cung cấp
đào tạo, tư vấn, và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp tiếp cận ISO 50001.
Mới đây,
ngày 09/04/2025, Bộ Công Thương đã phối hợp với UNIDO, cùng sự tài trợ của Liên
minh Châu Âu (EU) tổ chức khóa đào tạo “Xây dựng và vận hành hệ thống quản lý
năng lượng theo ISO 50001” tại Hải Phòng.
Khóa học kéo dài 2 ngày với sự tham gia của 65 học viên đến từ nhiều tỉnh
thành trên cả nước
Khóa học
nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để triển khai hiệu quả hệ thống quản
lý năng lượng tại doanh nghiệp. Nội dung chính xoay quanh các vấn đề cốt lõi
như hoạch định chính sách năng lượng, thu thập và phân tích dữ liệu, lập kế hoạch
và triển khai hệ thống theo tiêu chuẩn ISO 50001. Sau khóa học, học viên có thể
hiểu rõ cấu trúc hệ thống, trình bày được lợi ích và đề xuất giải pháp tiết kiệm
năng lượng phù hợp với từng doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng
năng lượng và tối ưu chi phí vận hành.
Việc phổ
biến và nhân rộng ISO 50001 tại Việt Nam là xu hướng tất yếu trong tiến trình
chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp, phù hợp với Chiến lược quốc gia về
tăng trưởng xanh và các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) mà Việt Nam đã cam
kết. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, ISO 50001 chính là chìa khóa giúp doanh nghiệp
kiểm soát rủi ro, tối ưu vận hành và nâng cao giá trị thương hiệu trong mắt nhà
đầu tư và khách hàng quốc tế.
Theo SCP