Thực
hiện Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 6.8.2020 của Chính phủ về các giải pháp thúc
đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT), thời gian qua, Hưng Yên đã tập trung
cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả. Đến
nay, tỉnh đã thu hút gần 500 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư hơn
5,9 tỷ USD.
Sự
bứt phá này đã và đang tạo điều kiện cũng như đặt ra yêu cầu phát triển CNHT tại
địa phương. Nhằm tạo bước đột phá và đổi mới trong thu hút đầu tư trên địa bàn
tỉnh cũng như tập trung phát triển công nghiệp theo hướng ưu tiên các dự án sản
xuất với công nghệ và giá trị gia tăng cao, tỉnh khuyến khích đầu tư phát triển
CNHT trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp máy móc, thiết bị điện tử. Để tạo điều kiện
thuận lợi cho doanh nghiệp, tỉnh đang tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng các khu
công nghiệp (KCN) ngày càng hiện đại, sớm hình thành KCN khoa học công nghệ; tiếp
tục chuyển đổi công năng, di dời các doanh nghiệp (DN) vào các KCN. Trong giai
đoạn tới, việc thu hút đầu tư vào các KCN của tỉnh Hưng Yên sẽ có sự chuyển biến
tích cực, thực chất hơn, chọn lọc hơn theo hướng chuyên biệt, sinh thái, thông
minh để tạo sức hút mới.
Hình thành liên kết ngành và chuỗi giá trị trong các Khu
công nghiệp
Trên
thực tế, trong những năm qua, để phát triển công nghiệp bền vững, đi vào chiều
sâu, Hưng Yên đã và đang tích cực thực hiện các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp
CNHT, giúp tăng giá trị các sản phẩm công nghiệp trong nước, đưa công nghiệp của
địa phương tham gia sâu vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu. Đến nay, CNHT của
tỉnh đã từng bước hình thành sự liên kết sản xuất giữa các DN trong nước và các
DN đầu tư nước ngoài (FDI).
Theo
thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có gần 300 DN sản xuất các sản phẩm CNHT
thuộc danh mục công nghiệp ưu tiên phát triển, tập trung hình thành khá rõ nét
trong 6 lĩnh vực: Cơ khí chế tạo; thiết bị điện, điện tử; dệt, may; da giày; sản
xuất và lắp ráp ô tô; công nghiệp công nghệ cao, trong đó có nhiều doanh nghiệp
sản xuất CNHT từ các tập đoàn lớn trên thế giới. Điển hình như Công ty TNHH
Kyocera Việt Nam (Yên Mỹ) chuyên sản xuất linh kiện gốm điện tử, thiết bị viễn
thông, chế tác đồ trang sức; Công ty TNHH LTK Việt Nam (Văn Lâm) hoạt động sản
xuất pin và ắc quy, sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ và động
cơ xe… có thị trường tại Nhật Bản… Một số DN ở các KCN đã hình thành liên kết
ngành và chuỗi giá trị như sản xuất sợi, dệt nhuộm vải, hoàn thiện sản phẩm vải
để sản xuất sản phẩm may mặc tại Công ty TNHH Semapo Vina, Công ty TNHH San Ma
Ru Vina.
Theo
định hướng của tỉnh, đến năm 2025, CNHT sẽ trở thành ngành công nghiệp quan trọng
của tỉnh, đủ năng lực sản xuất và cung cấp linh kiện, phụ tùng cho một số ngành
công nghiệp trong nước; đến năm 2030, công nghiệp hỗ trợ sẽ từng bước tham gia
trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới, cụ
thể: Đối với lĩnh vực cơ khí chế tạo, đến năm 2025, định hướng sản xuất khuôn mẫu,
dập, đúc, đồ gá, gia công chính xác, chi tiết máy các loại và linh kiện, thiết
bị máy động lực và máy nông nghiệp đạt sản lượng 500 - 600 nghìn sản phẩm các loại;
thép chế tạo đạt khoảng 150 nghìn tấn sản phẩm các loại. Đến năm 2030, sản xuất
linh kiện phụ tùng cơ khí kim loại đạt 1.000 - 1.200 nghìn sản phẩm và thép chế
tạo đạt 250 - 300 tấn sản phẩm các loại. Đối với lĩnh vực thiết bị điện, điện tử,
định hướng đến năm 2025, sản xuất linh kiện điện tử, vi mạch điện tử đạt sản lượng
12 - 15 triệu sản phẩm các loại…
Đồng
chí Nguyễn Văn Thơ, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên cho biết: Nhằm đẩy mạnh
phát triển ngành CNHT, sở đã và đang tham mưu với tỉnh thực hiện các giải pháp
chủ yếu như: Triển khai hiệu quả, đồng bộ các cơ chế, chính sách đặc thù phát
triển CNHT, đồng thời xây dựng và triển khai các chính sách hiệu quả cho các
ngành công nghiệp vật liệu và phát triển thị trường cho các ngành công nghiệp sản
xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, tạo nền tảng cơ bản cho công nghiệp hóa theo
hướng hiện đại và bền vững. Nâng cao vai trò và khuyến khích các địa phương đầu
tư các nguồn lực để triển khai thực hiện các chính sách, chương trình và hoạt động
hỗ trợ các doanh nghiệp CNHT trên cơ sở căn cứ các quy định của pháp luật và bảo
đảm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương đó. Bên cạnh đó, tiếp
tục thực hiện chính sách ưu đãi về lãi suất đối với doanh nghiệp CNHT; tạo cơ hội
hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua thu hút đầu tư và
thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các
doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước
ngoài; xây dựng các khu CNHT tập trung để tạo cụm liên kết ngành; phát triển
các ngành công nghiệp vật liệu nhằm tăng cường tính tự chủ về nguyên, vật liệu
đầu vào cho sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Đồng thời, phát
triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực CNHT thông qua các chương trình, kế hoạch về
nâng cao tay nghề, thúc đẩy liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, gắn kết
giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, phát triển hệ thống quản lý và bảo
đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp, triển khai mô hình quản lý theo hướng hiện
đại, tinh gọn, chuyên nghiệp, áp dụng theo các tiêu chuẩn quốc tế và ứng dụng
công nghệ thông tin, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc đào tạo, phát triển
nguồn nhân lực...
BHY