Phát triển
hệ thống bán lẻ hiện đại hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa ở thị trường trong
nước, góp phần tạo động lực phát triển sản xuất… là những nhiệm vụ quan trọng,
đóng vai trò điều tiết hàng hóa giữa các vùng miền, đặc biệt là hàng thiết yếu;
đồng thời góp phần xây dựng thương hiệu, chỗ đứng vững chắc cho hàng Việt.
Hàng Việt
chiếm 60-96% trong hệ thống bán lẻ
Thời gian
qua, dù chịu sức ép cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập ngoại nhưng hàng
hóa của các doanh nghiệp sản xuất trong nước ngày càng chiếm ưu thế trên thị
trường nhờ chất lượng không ngừng được cải thiện, giá bán hợp lý, cùng sự hỗ trợ
đặc biệt của hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại và các chợ truyền thống. Ngoài
ra, các chương trình khuyến mãi hấp dẫn diễn ra quanh năm của các hệ thống bán
lẻ dành riêng cho hàng hóa nội địa cũng góp phần tạo thói quen sử dụng hàng Việt
trong đông đảo tầng lớp nhân dân.
Khảo sát tại
một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội như Co.opmart, Winmart, Hapro… cho thấy
hàng Việt chiếm tỷ lệ 90-95%. Còn tại hệ thống siêu thị của doanh nghiệp nước
ngoài như AEON, Mega Market, Big C, hàng Việt Nam cũng chiếm tỷ lệ 60-96%. Tại
kênh phân phối là các chợ, cửa hàng tiện lợi, tỷ lệ hàng Việt Nam cũng chiếm từ
60% trở lên.
Là tập
đoàn bán lẻ đến từ Nhật Bản nhưng các sản phẩm tại hệ thống siêu thị AEON Việt
Nam chủ yếu là từ các nhà cung cấp nội địa, trong đó hàng Việt chiếm khoảng
80%, hàng nhập khẩu chiếm tỷ lệ khá thấp và chủ yếu nằm trong nhóm hàng thực phẩm.
Đối với các sản phẩm thực phẩm tươi sống như rau, củ, quả... đa phần đều là
hàng Việt, chỉ có 5-10% là hàng nhập khẩu.
Giám đốc
Truyền thông Tập đoàn Central Retail Việt Nam (doanh nghiệp quản lý, vận hành
chuỗi siêu thị GO!/Big C) Nguyễn Thị Bích Vân cho biết, Central Retail luôn
đánh giá cao vai trò của hàng Việt Nam trong cơ cấu hàng hóa tại hệ thống siêu
thị của đơn vị. Hiện, hệ thống siêu thị Big C có khoảng 45.000 mã hàng hóa,
trong đó tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm trên 90%.
Người dân mua hàng tại siêu thị Big C Thăng Long Hà Nội
Còn theo
Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội (quận Hà Đông) Nguyễn Thị Kim Dung, nhiều
năm qua, Saigon Co.op (đơn vị quản lý mạng lưới siêu thị Co.opmart, Co.op Food,
Co.opXtra…) luôn ưu tiên mua hàng, bố trí diện tích, vị trí trưng bày, truyền
thông, khuyến mại… dành cho hàng Việt...
Doanh số
bán hàng tại các siêu thị cho thấy, hơn 80% hàng hóa và dịch vụ thương hiệu Việt
được người dân trên địa bàn lựa chọn đã khẳng định niềm tin của người tiêu dùng
đối với hàng Việt.
Mở rộng hệ
thống bán lẻ hiện đại
Thời gian
qua, hàng loạt tập đoàn bán lẻ lớn của nước ngoài đã công bố kế hoạch tăng vốn
đầu tư, mở rộng mạng lưới phân phối ở Việt Nam. Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường
trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga cho biết: "Trong năm 2023, chúng
tôi đã nhận được hàng trăm hồ sơ của các hệ thống phân phối bán lẻ nước ngoài
quan tâm tới thị trường trong nước. Tuy nhiên, trong quá trình xét hồ sơ, Bộ
Công Thương luôn nhấn mạnh việc các doanh nghiệp phải là trụ đỡ đầu ra cho hàng
hóa sản xuất trong nước".
Còn theo
Giám đốc điều hành của Central Retail Corporation - ông Yol Phokasub, lộ trình
5 năm tới đây, Central Retail Corporation sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động kinh
doanh, đáp ứng xu hướng tăng trưởng liên tục của nền kinh tế. Theo đó, công ty
đặt mục tiêu đầu tư tổng trị giá 50 tỷ baht (1,45 tỷ USD) trong giai đoạn
2023-2027 để tăng gấp đôi số lượng cửa hàng lên 600, có mặt trên 57/63 tỉnh,
thành phố của Việt Nam.
Tương tự,
trong chiến lược dài hạn, Tập đoàn AEON xác định Việt Nam là thị trường trọng
điểm thứ hai, chỉ sau Nhật Bản, để đẩy mạnh đầu tư. Trong đó, tăng tốc mở rộng
mô hình bán lẻ mới là 1 trong 3 trọng tâm phát triển của nhà bán lẻ Nhật Bản
trong năm 2023. Nhằm tối đa tính tiện lợi là ưu tiên và thay đổi trong xu hướng
mua sắm sau dịch của khách hàng, AEON Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển và mở rộng
đa dạng mô hình bán lẻ, linh hoạt về quy mô, phù hợp với nhu cầu và điều kiện
thực tế của từng địa phương.
Thành viên
Ban Giám đốc điều hành của Tập đoàn AEON (Nhật Bản) phụ trách thị trường Việt
Nam, kiêm Tổng Giám đốc AEON Việt Nam - ông Furusawa Yasuyuki cho hay:
"AEON sẽ tiếp tục tập trung vào việc tăng số lượng các trung tâm mua sắm lớn.
Tuy nhiên, để đáp ứng sự thay đổi trong nhu cầu của khách hàng, chúng tôi sẽ thử
nghiệm các mô hình mới: Siêu thị quy mô vừa, các siêu thị quy mô nhỏ với thương
hiệu MaxValu".
Ngoài ra,
AEON Việt Nam còn đẩy mạnh phát triển sản phẩm nhãn hàng riêng sản xuất tại Việt
Nam theo tiêu chuẩn AEON, nhằm cung cấp cho khách hàng các sản phẩm chất lượng
với giá cả hợp lý, góp phần ổn định chuỗi cung ứng và hỗ trợ nâng cao năng lực
của nhà cung cấp. “Hoạt động này không chỉ góp phần thúc đẩy tiêu thụ tại thị
trường nội địa, mà còn hướng đến mục tiêu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường
các nước khác thông qua hệ thống AEON”, ông Furusawa Yasuyuki thông tin.
Tuy nhiên,
theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, để khẳng định được
chỗ đứng tại thị trường trong nước, đồng thời mở ra nhiều cơ hội cho hàng Việt,
các doanh nghiệp cũng cần chủ động đầu tư, thay đổi công nghệ tiên tiến, nâng
cao khả năng quản lý trên các mô hình công nghệ số thông qua việc ứng dụng
thương mại điện tử, tăng năng suất lao động, hạ giá thành nhưng vẫn bảo đảm chất
lượng, đa dạng mẫu mã, đáp ứng nhu cầu mua sắm đa dạng và ngày càng cao của người
tiêu dùng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần cung cấp thông tin trung thực, cụ thể
về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa, dịch vụ để người tiêu dùng dễ dàng tìm hiểu,
tiếp cận. Từ đó, tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu khách hàng, góp phần tăng
doanh thu, tăng thị phần và vị thế của doanh nghiệp trên thị trường trong nước
lẫn quốc tế.
HNM