Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xuất khẩu rau quả và gạo là hai nhóm hàng ghi nhận mức tăng vọt, đạt lần lượt 71,8 và 40,4%, đóng góp lớn vào kết quả xuất khẩu nông lâm thủy sản 9 tháng năm 2023.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tháng 9/2023, xuất khẩu nông sản đem về cho Việt Nam ước đạt 4,8 tỉ USD, giảm 2,7% so với tháng 8/2023 và tăng 22% so với tháng 9/2022.

Trong đó tăng trưởng mạnh nhất là nhóm nông sản, đạt 2,45 tỷ USD, tăng 46,9% so với cùng kỳ năm 2022; chăn nuôi đạt 45,3 triệu USD, tăng 32,6%; lâm sản 1,28 tỷ USD, tăng 7,3%; riêng nhóm thủy sản đạt 850 triệu USD, giảm 0,8%; nhóm đầu vào sản xuất 166,5 triệu USD, giảm 5,5%.

Lũy kế 9 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 68,92 tỷ USD, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu 38,48 tỷ USD, nhập khẩu 30,44 tỷ USD, xuất siêu 8,04 tỷ USD tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 9 tháng năm 2023, xuất khẩu nhóm nông sản và chăn nuôi đã có sự tăng trưởng tốt, khi đạt lần lượt 19,54 tỷ USD và 369 triệu USD, tăng 16,7% và 26,4%.

Đóng góp lớn nhất vào mức tăng của nhóm nông sản là nhóm hàng rau quả khi đạt kim ngạch 4,2 tỷ USD, tăng 71,8%. Với kết quả này, xuất khẩu nhóm hàng này đã vượt mục tiêu 4 tỷ USD đề ra cho năm 2023 và hướng tới mức kỷ lục 5 tỷ USD.


Ngoài ra, mặt hàng gạo cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực trong năm 2023, giúp kim ngạch xuất khẩu hàng gạo trong 9 tháng đạt 3,66 tỷ USD, tăng 40,4%, với mức giá xuất khẩu bình quân đạt 553 USD/tấn, tăng 14% (có thời điểm lên đến gần 650 USD/tấn).

Các sản phẩm khác trong nhóm nông sản cũng có mức tăng trưởng tốt như hạt điều đạt 2,61 tỷ USD, tăng 14,3%; cà phê 3,16 tỷ USD, tăng 1,9%. Đặc biệt, cà phê là một trong hai sản phẩm nông sản chính có giá xuất khẩu tăng trưởng trong 9 tháng, đạt 2.499 USD/tấn, tăng 9,9%.

Bên cạnh những tín hiệu tích cực, kim ngạch xuất khẩu nông sản tính chung 9 tháng đầu năm 2023 vẫn giảm 5,1% so với cùng kỳ do ghi nhận mức giảm sâu của một số mặt hàng xuất khẩu chính như nhóm thủy sản đạt 6,64 tỷ USD, giảm 21,7%; lâm sản đạt 10,44 tỷ USD, giảm 20,6%; đầu vào sản xuất 1,49 tỷ USD, giảm 20,2%.

Cùng với đó, giá xuất khẩu bình quân một số nông sản chính cũng giảm như hồ tiêu 3.309 USD/tấn, giảm 25,1%; cao su 1.335 USD/tấn, giảm 18,7%; sắn và sản phẩm từ sắn 420 USD/tấn, giảm 4,8%; hạt điều 5.722 USD/tấn, giảm 4,5%; chè 1.711 USD/tấn, giảm 2,3%...

Các thị trường xuất khẩu nông sản chính đã có sự biến động phân hóa trong 9 tháng đầu năm. Theo đó, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản trong 9 tháng tới các thị trường thuộc khu vực châu Á đạt 18,71 tỷ USD (tăng 4,9%); châu Mỹ 8,73 tỷ USD (giảm 22,5%); châu Âu 4,17 tỷ USD (giảm 11,2%); châu Phi 809 triệu USD (tăng 18,8%); châu Đại Dương 570 triệu USD (giảm 18,6%).

Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất với giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 13,8% (chiếm tỷ trọng 22,1%); Mỹ giảm 22,6% (chiếm 20,7%) và Nhật Bản giảm 7,7% (chiếm 7,6%).

MKA