Giá ure giảm nhẹ, các loại phân bón khác đi ngang

Ghi nhận trong nước những ngày qua, giá phân urê tại thị trường Tân Quy, TP. Hồ Chí Minh đã về xấp xỉ trên dưới 16 triệu đồng/tấn tuỳ loại. Cụ thể, giá ure Cà Mau tại An Giang ngày 22/6 là 795.000 đồng/bao/50 kg, giảm 40.000 đồng/bao so với ngày trước đó. Ure Ninh Bình tại Gia Lai là 840.000 đồng/bao/50 kg cũng giảm 40.000 đồng/bao so với ngày 21/6. Ure Phú Mỹ tại Gia Lai giảm 45.000 đồng/bao còn 845.000 đồng/bao.

Giá phân bón kali Hà Anh tại Quảng Bình là 895.000 đồng/bao, không đổi so với ngày trước đó. Kali Phú Mỹ tại Quảng Bình cũng đi ngang với 895.000 đồng/bao. Giá DAP Hồng Hà tại Đắk Lắk là 1,255 triệu đồng/bao, không đổi so với ngày 21/6.


Giá ure trên thị trường thế giới những ngày qua ghi nhận giảm nhiệt. Cụ thể, tại thị trường Trung Quốc, giá ure dao động khoảng 460 USD/tấn. Giá mặt hàng này liên tục giảm từ ngày 15/6 và hiện thấp hơn đỉnh của giữa tháng 5 khoảng 5%.

Nguyên nhân một phần do Trung Quốc thay đổi chính sách cho phép xuất khẩu phân bón trở lại khi cao điểm mùa vụ tại nước này đã qua. Cùng với đó là việc Nga cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu phân bón sang Ấn Độ và Nam Mỹ với giá bán thấp hơn 30% mặt bằng thế giới.

Giá phân bón DAP giữ nguyên khoảng 646 USD/tấn, không đổi từ ngày 16/6. Giá lưu huỳnh vẫn neo ở mức cao là 589 USD/tấn. Trong nước, giá DAP Đình Vũ tại An Giang là 1,12 triệu đồng/bao/50kg, không đổi so với cuối tuần trước.

Giá NPK trong nước khó giảm

Như vậy có thể thấy trên thị trường thế giới cũng như trong nước, giá ure có giảm nhẹ, còn các loại phân bón khác vẫn có dấu hiệu đi ngang.

Ông Vũ Xuân Hồng - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho biết, hiện nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón NPK của công ty là Kali, SA, lưu huỳnh và quặng apatit và một lượng nhỏ ure. Trừ quặng apatit được cung cấp trong nước thì đa phần nguyên liệu vẫn phải nhập khẩu. Hiện mấy tuần gần đây, giá phân ure có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên, lượng ure trong phân bón NPK chỉ chiếm không đáng kể, khoảng 5-6% trong tổng lượng thành phần. Trong khi giá lưu huỳnh vẫn neo ở mức cao và đi ngang tầm 570 -580 USD/tấn, giá SA khoảng 270 USD/tấn. giá Kali vẫn ở mức cao… Chính vì thế nên việc giá ure giảm nhiệt cũng không thể bù đắp cho chi phí các nguyên liệu khác. Hiện sản phẩm NPK Supe Lâm Thao hàm lượng trung bình dao động trên dưới 5.000đ/kg, NPK Supe Lâm Thao hàm lượng cao khoảng 14.000đ-15.000đ/kg. Đây là mức giá áp dụng từ cuối Quý 1/2022 đến nay.

Ông Hồng cũng cho biết thêm, hiện giá các loại nguyên liệu đầu vào không có dấu hiệu giảm, giá xăng dầu tăng cao tác động trực tiếp đến giá thành, đặc biệt là giá vận chuyển. Trong khi giá phân bón bán ra quá cao nên người nông dân khó tiếp cận. Hiện Supe Lâm Thao đang nỗ lực thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí sản xuất để giữ giá phân bón ở mức ổn định.

Ông Ngô Văn Đông - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền cũng cho biết, hiện các loại giá đầu vào cho NPK cũng vẫn cao như Kali, DAP... Cho dù giá ure có giảm một chút nhưng cũng không thể ngay lập tức kéo giảm giá NPK trong nước. Với NPK Bình Điền, hàm lượng ure chiếm khoảng 15 – 20% trong tổng thành phần. Tính theo tỷ lệ thành phần, nếu như giá ure giảm khoảng 2 triệu đồng/tấn, tương đương giá NPK sẽ giảm khoảng 400.000đ/tấn.

Bên cạnh đó, so với phân đơn, phân phức hợp các loại luôn có độ trễ giảm giá nhất định sau khoảng 20 ngày đến 1 tháng. Tức là nếu các loại phân đơn (như ure) giảm giá thì thông thường sau khoảng 20 ngày tới 1 tháng, các loại phân như NPK mới có thể điều chỉnh giá được. Trong khi các loại nguyên liệu đầu vào khác cho NPK vẫn đi ngang và diễn biến bất thường, nên trong thời gian tới khó có thể khẳng định giá loại phân bón này sẽ giảm nhiệt.

Giá nguyên liệu đầu vào các loại vẫn tăng cao, trong thời gian tới, vẫn khó có thể khẳng định NPK có thể giảm giá


6 tháng đầu năm 2022, hiện Công ty CP Phân bón Bình Điền tiêu thụ được khoảng 130.000 tấn NPK các loại, trong khi con số này ở cùng kỳ năm ngoái là 200.000 tấn. Lý giải về nguyên nhân này, ông Ngô Văn Đông cho rằng nguyên nhân là giá phân bón đã tăng lên quá cao. Theo ghi nhận, nông dân tại khu vực miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên bỏ ruộng nhiều; nông dân miền Tây Nam bộ bỏ vụ ba do sản xuất nông nghiệp không hiệu quả khi giá vật tư nông nghiệp đầu vào cao trong khi giá nông sản lại thấp. Chính vì thế, lượng tiêu thụ phân bón cũng giảm đi rõ rệt.

Về xuất khẩu, ông Ngô Văn Đông cũng thừa nhận, Bình Điền đã phải giảm giá 10% (khoảng 30-40USD/tấn tùy thời điểm) để có thể giữ các đơn hàng xuất khẩu. Vì nếu để mức giá như hiện tại sẽ rất khó để NPK của Bình Điền cạnh tranh được với phân bón cùng loại của các nước cùng khu vực.

Ông Phùng Hà - Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc bình ổn giá phân bón không chỉ phụ thuộc vào doanh nghiệp mà phụ thuộc rất nhiều vào chính sách điều hành của nhà nước.

Thực tế hiện nay các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đang phải đối mặt với tình trạng nguyên liệu đầu vào tăng quá cao. So với thời điểm này năm ngoái, giá một số loại nguyên liệu đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba lần.

Trong khi đó, một bất cập hiện nay là chính sách thuế xuất khẩu phân bón (áp thuế 5% đối với mặt hàng thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng phân bón thuộc nhóm 31.02, 31.03, 31.04, 31.05 tại biểu thuế xuất khẩu, không phân biệt theo tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong sản phẩm phân bón). Và việc áp thuế này đánh thẳng vào nhóm phân bón NPK.

Chính việc này đã khiến doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước bị giảm sức cạnh tranh trước các doanh nghiệp nước ngoài. Ông Ngô Văn Đông phân tích, nếu áp thuế xuất khẩu 5%, mỗi tấn phân bón NPK của công ty sẽ tăng giá từ 30-60 USD Mỹ/tấn tùy theo sản phẩm.

Trong khi phân bón cùng chủng loại nhập khẩu về Việt Nam không bị đánh thuế nhập khẩu nhưng phân bón xuất khẩu từ Việt Nam sẽ bị áp 5%, đây là sự bất hợp lý và không công bằng đối với phân bón sản xuất trong nước, trực tiếp làm giảm sự cạnh tranh của sản phẩm đối với các loại phân bón trong khu vực.

Nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi năng lực sản xuất phân bón các loại của Việt Nam đã dư cung. Đó là chưa kể tới yếu tố năm nay giá phân bón phân bón tăng cao, nông dân bỏ ruộng hoặc giảm bón phân nên nhu cầu giảm 30-40% so với bình thường. Để giảm giá thành sản xuất, thông thường các doanh nghiệp phải tối đa hóa công suất. Vì vậy, việc áp thuế xuất khẩu để giữ lại lượng phân bón trong bối cảnh thị trường trong nước dư cung sẽ gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho rằng, việc áp 5% thuế xuất khẩu với mặt hàng phân bón cần phải được tính toán cẩn trọng hơn nữa. Đối với ngành sản xuất phân bón trong nước hiện không có một ưu đãi gì từ giá than, giá điện, các chính sách về thuế phí. Nếu lập luận việc áp thuế xuất khẩu 5% với mặt hàng phân bón thì sẽ hạ nhiệt được giá bán trong nước thì không hợp lý. Yếu tố hạ giá hay không là do giá đầu vào của nguồn nguyên liệu, chi phí sản xuất chứ không nằm ở chỗ hạn chế xuất khẩu.

Nguyễn Duyên - BCT