Vụ hoa Tết năm nay, chị Dương Ngọc (xã Hội
Sơn, huyện Anh Sơn) xuống giống 6 vạn cây hoa cúc để cung ứng thị trường Tết và
lễ đầu năm. Sau khi tham khảo nhiều nguồn hoa giống khác nhau, chị bất ngờ khi
giá hoa giống tăng đột biến.
“Cúc giống các loại tăng giá mạnh, cá biệt
có loại gấp 3 lần các năm trước. Nếu như các năm chỉ khoảng 2 triệu đồng/1 vạn
cây, thì nay cúc lưới rễ lên đến 5 – 6 triệu đồng/vạn cây”, chị Ngọc cho biết.
Vườn ươm giống của anh Nguyễn Văn Đức ở thị
xã Thái Hoà mới chỉ đáp ứng được số lượng ít về nhu cầu hoa giống của bà con. Ảnh:
T.P
Thời điểm này, các vùng trồng hoa như:
Nghi Liên, Nghi Ân, Hưng Đông (TP. Vinh), Nghi Long, Nghi Thuận (Nghi Lộc), Yên
Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Đô Lương, Anh Sơn… đang chuẩn bị xuống
giống các loại hoa phục vụ thị trường Tết.
Theo chị Võ Thị Vân, công chức nông nghiệp
địa chính xã Nghi Long (Nghi Lộc) cho biết, hoa cúc là cây trồng truyền thống ở
địa phương, dự kiến năm nay, toàn xã xuống giống khoảng 1 mẫu hoa cúc, song giá
cúc giống đến thời điểm hiện tại tăng cao nên người trồng gặp không ít khó
khăn.
“Giống cúc năm nay tăng 1,5-2 lần so với năm ngoái. Mọi năm, tôi thường lấy giống về cung ứng cho bà con, năm nay, giá giống cúc đắt nên tôi cũng không dám ôm hàng, chỉ lấy khi có đơn đặt hàng trước của người dân”, chị Vân cho biết.
Có thâm niên 30 năm trồng hoa phục vụ thị
trường Tết, năm nay, anh Nguyễn Văn Đức (phường Long Sơn, thị xã Thái Hoà) trồng
3,5 vạn cây cúc. Giá cúc giống tăng cao, có những năm mua phải hàng kém chất lượng
nên nhiều năm liền, anh mua tế bào mô cúc các loại từ Đà Lạt về tự nuôi cấy,
ươm giống, vừa để gia đình trồng, vừa bán ra thị trường.
Dù chủ động nguồn giống, “tự cung, tự cấp” song theo anh Đức chia sẻ thì giá đầu vào tăng, chi phí làm cúc giống tăng cao nên năm nay, anh buộc phải tăng giá bán lên 3,5 triệu đồng/1 vạn cây (tăng khoảng 500.000 đồng/1 vạn cây so với năm ngoái).
“Vì các nhà vườn đều là chỗ thân quen nên
dù giá cúc giống trên thị trường tăng vọt thì tôi cũng chỉ tăng nhẹ để khuyến
khích người trồng”, anh Đức cho biết.
Theo các nhà phân phối giống cúc, nguyên
nhân giá hoa giống tăng vọt là do người trồng hoa ở Nghệ An chủ yếu lấy từ miền
Bắc, thế nhưng trận bão Yagi đã khiến nhiều vùng hoa giống bị xoá sổ, nhiều vườn
hoa bố mẹ bị chết yểu, do đó, nguồn cung cúc giống ra thị trường hạn chế. Giá
hoa giống vì thế bị đẩy lên cao. Không chỉ hoa cúc mà giống các loại hoa khác
như: ly, phăng xê, thược dược, đồng tiền, lay-ơn… đều cao hơn năm trước.
Hoa cúc Tết là vụ sản xuất lớn nhất trong
năm của người dân vùng trồng hoa. Ảnh: T.P
Cụ thể, như hoa ly, giá tăng thêm
2.000-3.000 đồng/củ (tuỳ loại), thược dược cũng tăng thêm 2.000-3.000 đồng/chục
cây. Đó là chưa kể, khi nguồn giống hoa đắt, khan hiếm thì nông dân cũng khó
mua được giống chất lượng.
“Tôi xuống giống thử một lứa vào cuối
tháng 9, đặt mua 1 vạn cây giống các loại của một nhà vườn ngoài Bắc. Khi nhận
hàng thì giống không đủ số lượng cây đã đặt (bó 100 cây thì chỉ được 80, 90
cây); hàng không đúng như cam kết, chẳng hạn như cúc, trong 100 cây/bó thì có
khoảng 10% thối rễ, 10% là nhánh cây không phải cây con, nhiều cây yếu…”, anh
Nguyễn Bá Toản, một hộ trồng hoa Tết ở thị trấn Nam Đàn (Nam Đàn) cho biết.
Giống tất cả các loại hoa khác đều đồng loạt
tăng giá. Ảnh: T.P
Với những người trồng hoa, Tết Nguyên đán
là vụ mùa quan trọng và được mong đợi nhất trong năm. Song, bước vào vụ hoa năm
nay, nông dân trồng hoa đang thấp thỏm bởi chi phí đầu tư cây giống, vật tư,
phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... đều tăng. Bên cạnh chi phí tăng mạnh, điều
khiến người trồng hoa lo lắng nhất vào lúc này là vấn đề tiêu thụ.
Năm nay, tình hình kinh tế khó khăn, giá cả
các mặt hàng thiết yếu neo cao, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, do đó, hoa
cũng không phải là ưu tiên, lựa chọn của nhiều gia đình. Người trồng hoa lo ngại
thị trường tiêu thụ sụt giảm so với các năm trước.
BNA