Theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, giá một số loại lúa được thương lái thu mua như: IR 50404 từ 5.400 - 5.500 đồng/kg; OM 5451 từ 5.800 - 6.000 đồng/kg, Đài thơm 8 (tươi) và OM 18 (tươi) giao động từ 6.600 - 6.800 đồng/kg…
Với mặt
hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 16.000 -
17.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 20.000 - 22.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ
18.000 - 20.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa
21.500 đồng/kg; gạo Hương Lài 22.000 đồng/kg; gạo thơm Đài Loan 21.000 đồng/kg;
gạo Sóc thường dao động ở mốc 18.000 đồng/kg; gạo Sóc Thái giá 21.000 đồng/kg;
gạo Nhật giá 22.000 đồng/kg…
Gạo nguyên
liệu IR 504 ở mức 7.700 - 7.800 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 từ 9.500 - 9.700
đồng/kg; gạo nguyên liệu OM 380 từ 7.300 - 7.400 đồng/kg, gạo thành phẩm OM 380
dao động ở 8.800 - 9.000 đồng/kg.
Với mặt
hàng phụ phẩm, giá phụ phẩm các loại dao động trong khoảng từ 5.200 - 7.300 đồng/kg.
Giá tấm thơm ở mức 7.100 - 7.300 đồng/kg; giá cám khô ở mức 5.200 - 5.300 đồng/kg.
Về xuất khẩu, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 404 USD/tấn, mức thấp nhất trong 29 tháng (kể từ đầu tháng 9/2022), so với 417 USD/tấn hai tuần trước.
Theo Hiệp
hội Lương thực Việt Nam (VFA), thị trường đã đóng cửa vào tuần trước do kỳ nghỉ
Tết Nguyên đán. Một thương nhân có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết hoạt
động giao dịch vẫn còn yếu sau kỳ nghỉ lễ.
Trong tuần
qua, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 19 tháng
do đà tăng của nguồn cung và sự sụt giảm của đồng rupee.
Giá gạo đồ
5% tấm của Ấn Độ được chào bán ở mức từ 418 - 428 USD/tấn, giảm so với mức từ
429 - 435 USD/tấn của tuần trước. Giá gạo trắng 5% tấm của Ấn Độ giao dịch ở mức
từ 395 - 405 USD/tấn trong tuần này.
Ông
Himanshu Agarwal, Giám đốc điều hành công ty xuất khẩu gạo Satyam Balajee, cho
biết người mua quan tâm đến việc mua hàng nhưng lo ngại về sự sụt giảm mạnh của
giá cả và đang chờ giá ổn định gần mức đáy. Tính đến đầu tháng Một, tồn kho gạo
của Ấn Độ đạt mức cao kỷ lục 60,9 triệu tấn, gấp tám lần mục tiêu của chính phủ.
Trong khi
đó, đồng rupee đã chạm mức thấp kỷ lục mới trong phiên 6/2, giúp tăng biên lợi
nhuận cho các nhà giao dịch xuất khẩu ra nước ngoài.
Tại Thái
Lan, giá gạo 5% tấm trong tuần này giảm xuống còn từ 415 - 420 USD/tấn so với mức
từ 450 - 455 USD/tấn của tuần trước. Một thương nhân ở Bangkok cho biết sự sụt
giảm này là do giá nội địa giảm và đồng baht tăng giá.
Nhu cầu trầm
lắng do những quốc gia thu mua như Indonesia và Philippines trì hoãn việc mua
hàng. Với vụ mùa sắp tới của Việt Nam và Thái Lan, khách hàng đang trì hoãn quyết
định để theo dõi xu hướng giá.
Các quan
chức cho biết Bangladesh đang xem xét dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo thơm để tăng
doanh thu và đáp ứng các yêu cầu liên tục từ cộng đồng doanh nghiệp nhằm kích
thích thương mại và tăng thu nhập xuất khẩu.
Thị trường
nông sản và cà phê
Về thị trường
nông sản Mỹ, các nhà phân tích cho biết giá ngô, đậu tương và lúa mỳ kỳ hạn
trên Sàn Giao dịch Chicago (CBOT) đã giảm trong phiên 7/2 giữa những lo ngại mới
về việc các tranh chấp thương mại có thể tác động tiêu cực đến nhu cầu đối với
những sản phẩm nông nghiệp của Mỹ.
Tổng thống
Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ công bố mức thuế quan đối với nhiều quốc gia
vào tuần tới. Các nhà giao dịch ngũ cốc đang lo ngại rằng những loại thuế mới
có thể gây ra tình trạng trả đũa và làm giảm doanh số bán nông sản của Mỹ.
Ông Rich
Nelson, chiến lược gia tại công ty môi giới hàng hóa Allendale, cho biết bất kỳ
động thái nào như ông Trump đã đề cập đều có thể gây ra phản ứng của các nước đối
với Mỹ. Ông cũng nhấn mạnh lo ngại về tác động tâm lý của việc áp thuế.
Ông Trump
đã công bố mức thuế 25% đối với hàng hóa Canada và Mexico vào ngày 1/2, nhưng
đã trì hoãn các mức thuế này sau phản ứng tiêu cực từ những nhà đầu tư. Các khoản
thuế của Mỹ đối với Trung Quốc đã nhận được phản hồi có chừng mực từ Bắc Kinh,
không bao gồm thuế quan đối với nông sản, giúp các nhà giao dịch ngũ cốc bớt lo
lắng.
Đóng phiên
7/2, giá ngô giao tháng 3 trên sàn CBOT giảm 7,75 xu xuống 4,87 USD/bushel,
nhưng vẫn duy trì gần 4,985 USD/bushel, mức đỉnh trong 15 tháng đã đạt được vào
ngày 5/2.
Giá đậu
tương giao tháng 3 giảm 11 xu xuống 10,49 USD/bushel sau khi tăng lên mức đỉnh
6 tháng là 10,7975 USD/bushel vào ngày 5/2. Giá lúa mỳ giao tháng 3 kết thúc
phiên giảm 5 xu xuống 5,8275 USD/bushel, giảm so với mức cao nhất trong 3 tháng
rưỡi là 5,925 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô =
25,4 kg).
Các nhà
giao dịch cho biết có một tâm lý "né tránh rủi ro" trên thị trường
trước cuối tuần và sau những đợt tăng gần đây.
Tình trạng
mưa lớn hơn ở Argentina đã gây sức ép lên giá nông sản sau thời tiết nóng và
khô vào tháng Một. Sở giao dịch ngũ cốc Rosario cho biết các cơn mưa trong tuần
này đã giải cứu vụ đậu tương của Argentina, quốc gia xuất khẩu bột đậu nành và
dầu đậu nành lớn nhất thế giới và là nước xuất khẩu ngô lớn thứ ba thế giới.
Các nhà
giao dịch cũng theo dõi thời tiết lạnh ở Nga, nước xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế
giới, do lo ngại về khả năng gây thiệt hại cho vụ mùa của nước này.
Về thị trường
cà phê, tại Việt Nam, ngày 8/2, giá cà phê tại khu vực Tây Nguyên đồng loạt giảm
1.000 đồng/kg so với ngày hôm qua, xuống còn 128.500 - 129.000 đồng/kg.
Trong đó,
giá cà phê tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Gia Lai đang cùng được thu mua ở mức
129.500 đồng/kg. Còn tại tỉnh Lâm Đồng, giá cà phê hôm nay điều chỉnh về mốc
128.500 đồng/kg.
Trên thị
trường thế giới, giá cà phê biến động trái chiều trong phiên giao dịch 7/2.
Tại Sàn
giao dịch London, giá cà phê trực tuyến robusta hợp đồng giao tháng 3/2025 đóng
cửa ở mức 5.561 USD/tấn, giảm 1,28% (72 USD/tấn) so với phiên giao dịch trước.
Hợp đồng giao tháng 5/2025 cũng giảm 1,45% (82 USD/tấn), xuống còn 5.564 USD/tấn.
Giá cà phê
robusta giảm phiên thứ hai liên tiếp do chịu sức ép bởi lượng bán ra từ Việt
Nam sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ.
Còn trên
Sàn giao dịch New York, giá cà phê arabica giao tháng 3/2025 tiếp tục tăng
phiên thứ 12 liên tiếp, với mức tăng 0,1% so với phiên giao dịch trước, đạt mức
kỷ lục mới 404,35 xu/lb. Tuy nhiên, hợp đồng giao kỳ hạn tháng 5/2025 lại giảm
tương ứng 0,1% (0,4 xu/lb), về mốc 396,7 xu/lb (1lb = 0,45kg).
Hợp đồng
cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2025 đã tăng 7% trong tuần này, sau khi tăng 8,7%
trong tuần trước. Mặc dù vậy, đà tăng bị hạn chế trong phiên giao dịch cuối tuần
do đồng USD mạnh lên, tạo áp lực chốt lời lên hợp đồng cà phê kỳ hạn.
Các nhà
giao dịch cho biết thị trường đang bị ảnh hưởng bởi lo ngại về nguồn cung thu hẹp
từ hai nước sản xuất hàng đầu là Brazil và Việt Nam, cùng với nguy cơ chính quyền
Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể áp thuế thương mại đối với các nhà sản xuất
cà phê lớn ở Nam Mỹ.
Tính từ đầu
năm 2025 đến nay, giá cà phê đã tăng hơn 25%, sau khi tăng 70% trong năm ngoái.
TTXVN