Thông tin đề cập trong công văn Sở Tài Nguyên và Môi trường thành
phố vừa gửi Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (chủ đầu
tư).
Vành đai 3 đoạn qua TP HCM dài hơn 47 km, thi công trên địa bàn TP
Thủ Đức, huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, tổng diện tích giải phóng mặt bằng
khoảng 397 ha, với 1.670 trường hợp bị ảnh hưởng, trong đó 663 hộ phải giải tỏa
trắng.
Theo dự toán của các địa phương tuyến đường đi qua, giá bồi thường,
hỗ trợ tái định cư với đất ở là 18,7-40,1 triệu đồng mỗi mét vuông. Giá bồi thường,
hỗ trợ chuyển đổi nghề với đất trồng cây lâu năm 3,8-8,2 triệu đồng mỗi mét
vuông. Ngoài ra, giá bồi thường và hỗ trợ chuyển đổi nghề với đất trồng cây
hàng năm dự kiến từ 3,2 đến 6 triệu đồng mỗi mét vuông.
Sở Tài Nguyên và Môi trường cho biết đây là giá đền bù tạm tính,
khi thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, các địa phương cùng đơn vị tư vấn
độc lập sẽ thẩm định cụ thể trước khi trình Hội đồng thẩm định giá đất và UBND
TP HCM phê duyệt.
Theo kế hoạch, giữa năm 2023 Vành đai 3 được giao 70% mặt bằng và
toàn bộ sau đó 6 tháng. Tuy nhiên, TP HCM đang phấn đấu hoàn thành sớm hơn. Việc
giải phóng mặt bằng ở tuyến đường này cũng được thành phố xác định sẽ làm mẫu
cho các công trình khác nên khâu điều tra xã hội học, pháp lý, giá đền bù sẽ được
triển khai chặt chẽ... Các trường hợp bị ảnh hưởng được tạo điều kiện bằng hoặc
tốt hơn sau khi giao đất.
Vành đai 3 đi qua TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, được đầu
tư giai đoạn một với chiều dài hơn 76 km, tổng mức đầu tư 75.300 tỷ đồng. Tuyến
đường chia làm 8 dự án thành phần, mỗi địa phương thực hiện hai dự án, gồm: giải
phóng mặt bằng và xây lắp. Theo kế hoạch, công trình sẽ khởi công giữa năm 2023
và hoàn thành sau ba năm. Đây được xem là tuyến đường chiến lược, ngoài kết nối
giao thông còn tạo hành lang đô thị, công nghiệp không chỉ 4 tỉnh thành đi qua
mà cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.