Ngay sau nỗ
lực lớn của Microsoft ở Đông Nam Á, Amazon đã cam kết thêm 9 tỷ USD mở rộng cơ
sở hạ tầng điện toán đám mây tại Singapore, động thái mới nhất của một công ty
công nghệ toàn cầu nhằm thúc đẩy đầu tư vào Đông Nam Á.
Theo báo
cáo của tờ Bloomberg, khoản chi này sẽ được thực hiện trong bốn năm tới, tăng gấp
đôi khoản đầu tư của Amazon Web Services (AWS) tại Singapore trước đó và giúp
công ty này đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng đối với các dịch vụ
đám mây và đẩy nhanh việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI).
Thông báo
này được đưa ra trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh AWS Asean tại Singapore,
nơi AI chiếm vị trí trung tâm với một loạt sáng kiến từ công ty Mỹ. Đảo quốc
này được coi là khu vực trung tâm dữ liệu đầu tiên được AWS thành lập ở Châu Á.
AWS, công
ty bán phần mềm và lưu trữ dữ liệu cho thuê từ các trang trại máy chủ lớn của
gã khổng lồ công nghệ Amazon, đã mở rộng phạm vi hoạt động ra bên ngoài nước Mỹ
trong những năm gần đây, với phần lớn khoản đầu tư nhắm vào thị trường châu Á.
Tính cả khoản đầu tư vào Singapore lần này, AWS năm nay đã công bố kế hoạch chi
khoảng 35 tỷ USD bên ngoài nước Mỹ, bao gồm cả Nhật Bản, Ả Rập Saudi và Mexico.
Trước đó, công ty cũng đang thiết lập các cụm trung tâm dữ liệu ở Malaysia và
Thái Lan.
Tháng trước,
Amazon cho biết AWS đang trên đà đạt được doanh thu hơn 100 tỷ USD lần đầu tiên
trong vòng một năm. Các giám đốc điều hành của Amazon cũng tiết lộ AWS đang được
hưởng lợi từ các dự án hiện đại hóa công nghệ của doanh nghiệp cũng như nhu cầu
về dịch vụ AI.
Với khoản
đầu tư này, Amazon ước tính rằng họ sẽ hỗ trợ trung bình 12.300 việc làm toàn
thời gian tương đương tại các doanh nghiệp địa phương ở Singapore mỗi năm. Công
ty cũng sẽ tổ chức hội thảo cho hơn 100 doanh nghiệp trong hai năm, hợp tác với
chính phủ Singapore để giúp các doanh nghiệp nhỏ tận dụng AI sáng tạo.
Những năm
gần đây, Singapore đã phát triển thành trung tâm cho các doanh nghiệp Mỹ ở châu
Á, chẳng hạn như Meta Platforms, công ty mẹ của Facebook và Alphabet, công ty mẹ
của Google, và được coi là cửa ngõ vào khu vực Đông Nam Á rộng lớn, khu vực được
kỳ vọng sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh chóng.
Trên thực
tế, các nhà cung cấp dịch vụ đám mây toàn cầu đang ngày càng mạo hiểm vào Đông
Nam Á để mở rộng thị trường. Theo IDC, công ty chuyên theo dõi doanh thu của
các nhà cung cấp đám mây, Đông Nam Á hiện là thị trường điện toán đám mây phát
triển nhanh nhất trên toàn cầu và dự kiến sẽ đạt giá trị 40,32 tỷ USD vào năm
2025.
Những gã
khổng lồ ở Thung lũng Silicon bao gồm Amazon, Microsoft và Google, cùng với các
tập đoàn công nghệ Trung Quốc như Alibaba, đang nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng tại
Đông Nam Á.
Những gã khổng lồ công nghệ đang nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng tại Đông
Nam Á.
Những gã
khổng lồ ở Thung lũng Silicon bao gồm Amazon, Microsoft và Google, cùng với các
tập đoàn công nghệ Trung Quốc như Alibaba, đang nỗ lực mở rộng ở đây, nơi có
700 triệu người và nền kinh tế có tổng giá trị hơn 3,8 nghìn tỷ USD.
Khu vực
này cũng được coi là nơi trú ẩn an toàn cho các chuỗi cung ứng từ Trung Quốc
đang tìm cách tránh thuế quan của Mỹ khi cuộc chiến thương mại giữa hai siêu cường
ngày càng căng thẳng. Điều này đã và đang tạo ra một làn sóng các công ty công
nghệ toàn cầu đầu tư vào khu vực Đông Nam Á.
Tháng 12
năm ngoái, Giám đốc điều hành của Nvidia, Jensen Huang đã thực hiện chuyến công
du đến Malaysia, Việt Nam và Singapore, trong khi CEO Apple Tim Cook vào tháng
trước đã đến thăm Singapore, Việt Nam và Indonesia.
Microsoft,
đối thủ lớn nhất của Amazon trong lĩnh vực dịch vụ đám mây, mới đây cũng đã
tăng cường sự hiện diện trong khu vực. Công ty cam kết đầu tư 2,2 tỷ USD trong
4 năm tới để phát triển cơ sở hạ tầng đám mây và trí tuệ nhân tạo mới ở
Malaysia. Việc mở rộng sang Đông Nam Á này cũng sẽ bao gồm sự hợp tác với chính
phủ Malaysia để thành lập một trung tâm AI quốc gia.
Theo các
chuyên gia phân tích, Đông Nam Á được coi là một khu vực có tầm quan trọng chiến
lược và là một trong những khu vực kinh tế năng động nhất trên thế giới. Do đó,
nơi này cũng đang trở thành một đấu trường khốc liệt trong lĩnh vực điện toán
đám mây.
Nước Mỹ
đang có cơ hội định hình các quyết định quốc gia về cơ sở hạ tầng đám mây ở
Đông Nam Á nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự kỹ thuật số lớn hơn cho việc thiết
lập các cơ hội kinh tế và công nghệ. Thành công ở đây sẽ giúp thúc đẩy, tạo cơ
hội kinh tế cho các công ty phương Tây và các bên tham gia trong khu vực, đồng
thời tạo tiền lệ cho chính sách ở các khu vực khác.
Trong khi
đó, đối thủ lớn nhất của Mỹ ở đây là Trung Quốc, cũng đang có những chiến lược
và tham vọng giành quyền thống trị kinh tế toàn cầu. Nước này cũng đang hỗ trợ
các công ty của mình giành thị phần điện toán đám mây tại khu vực Đông Nam Á
như một phần trong nỗ lực lớn hơn nhằm tăng cường ảnh hưởng chính trị và kinh tế
toàn cầu.
Theo BDĐDN