Tín hiệu tích cực ngay từ đầu năm

Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu cho biết, đa phần các doanh nghiệp thành viên của Vinatex đều có sự phát triển tích cực trong nửa cuối năm 2024. Hiện, nhiều doanh nghiệp đã nhận đủ đơn hàng cho đến hết quý II/2025, thậm chí kéo dài đến quý III/2025 và đang tích cực đàm phán các hợp đồng cho cả năm. Đơn giá các đơn hàng cũng đang dần được cải thiện, với xu hướng tăng trở lại nhờ nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn phục hồi, đặc biệt trong dịp mua sắm mùa lễ hội.

Ngay trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, khách hàng, đối tác và nhà nhập khẩu của May 10 vẫn duy trì hoạt động, mang lại những tín hiệu tích cực đầu năm. Đặc biệt, các đơn hàng quý II/2025 đã được xác nhận, đảm bảo việc làm ổn định cho người lao động đến hết quý này.

Tương tự, Công ty TNHH Việt Thắng Jean cũng ghi nhận hoạt động sản xuất sôi động từ tháng 12/2024. Để đáp ứng các đơn hàng Xuân Hè 2025, công ty đã liên tục tăng ca và áp dụng chiến lược nhận đơn hàng nhỏ cùng các sản phẩm thời trang, qua đó bảo đảm nguồn đơn hàng kéo dài đến tháng 6/2025.

 

Việt Nam đã xuất khẩu hàng dệt may sang 104 thị trường trên toàn cầu

Việt Nam đã xuất khẩu hàng dệt may sang 104 thị trường trên toàn cầu. Trong đó Mỹ vẫn là thị trường trọng điểm, chiếm khoảng 44% tỷ trọng, tiếp đến là EU, Trung Quốc, thị trường khối Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ASEAN. Đồng thời, bắt đầu xuất khẩu sang thị trường mới như châu Phi, Trung Đông.

Thách thức lớn nhưng khả thi

Năm 2025, ngành dệt may đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 10%, tương đương kim ngạch xuất khẩu đạt 48 tỷ USD. Đây là một thách thức lớn, nhưng hoàn toàn khả thi nếu doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của các nhà nhập khẩu.

Đại diện Lãnh đạo Công ty May 10 khẳng định, công ty sẽ tiếp tục mở rộng cả thị trường xuất khẩu lẫn nội địa. Bên cạnh các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, và Nhật Bản, May 10 sẽ tập trung khai thác các thị trường tiềm năng như Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước châu Á. Năm 2025, công ty dự kiến tiết giảm 20.000 tấn CO2 nhờ chuyển đổi năng lượng, sử dụng năng lượng mặt trời, và triển khai các giải pháp tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu nhằm thúc đẩy sản xuất xanh.

Đại diện Vinatex cũng nhận định, ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn trên thị trường toàn cầu, với tổng cầu dệt may thế giới năm 2025 dự kiến đạt 850 tỷ USD. Để duy trì vị thế và phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần tăng cường chuyển đổi số, đầu tư vào máy móc tự động hóa, thực hiện các giải pháp xanh hóa sản xuất, đồng thời tối ưu chi phí để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, việc mở rộng sang các thị trường mới như Trung Đông và Nam Mỹ cũng là chiến lược quan trọng nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Dự kiến từ nay đến hết quý II/2025, ngành may mặc sẽ tiếp tục xu hướng phục hồi từ cuối năm 2024. Các doanh nghiệp dệt may đón nhận tín hiệu tích cực khi những thị trường lớn như Mỹ, EU và Nhật Bản dần phục hồi, nhu cầu tiêu dùng tăng lên, và tồn kho giảm đáng kể.

Theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, lực hấp dẫn của ngành dệt may Việt Nam đến từ ổn định chính trị của đất nước, cộng hưởng với ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được Chính phủ ký với hầu hết các nước lớn trên thế giới. Hiện 17/19 FTA đã có hiệu lực, mang lại lợi thế lớn cho các ngành hàng xuất khẩu, trong đó có dệt may.

Một yếu tố quan trọng nữa giúp ngành tiến chắc từng bước trong chuỗi cung ứng dệt may thế giới là sự linh hoạt của doanh nghiệp trong ứng phó với biến động thị trường, tầm nhìn xa trong nắm bắt xu hướng, cũng như nỗ lực đa dạng hóa mặt hàng, đa dạng hóa thị trường.

Với nền tảng vững chắc và những thành tựu nổi bật trong năm 2024, ngành dệt may Việt Nam đang tiếp tục khẳng định vị thế trên bản đồ thương mại toàn cầu. Các tín hiệu phục hồi từ các thị trường lớn cùng sự cải thiện trong đơn giá đơn hàng là động lực quan trọng để các doanh nghiệp duy trì đà tăng trưởng.