Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ đã
lên tiếng phản đối "các cuộc điều
tra thường xuyên" của New Delhi đối với các công ty Trung Quốc và cảnh
báo về những tác động đối với môi trường kinh doanh của Ấn Độ và niềm tin của
nhà đầu tư sau khi văn phòng địa phương của nhà sản xuất điện thoại thông minh
Trung Quốc Vivo bị chính quyền thanh tra đột xuất trong 1 cuộc điều tra cáo buộc rửa tiền mới
đây.
Các nhà chức trách Ấn Độ đã tiến hành
cuộc đột kích vào hàng chục văn phòng của Vivo vào đầu tuần qua. Theo đó, cơ
quan giám sát tội phạm tài chính của Ấn Độ hôm thứ Năm cho biết họ đã thu giữ
119 tài khoản ngân hàng có liên kết với Vivo Ấn Độ với tổng số tiền là 58,7 triệu
đô la Mỹ. Cuộc điều tra diễn ra sau các động thái tương tự đối với Xiaomi , một
nhà sản xuất điện thoại thông minh khác của Trung Quốc và tập đoàn thiết bị viễn
thông khổng lồ Huawei Technologies.
Các cuộc điều tra đã làm gián đoạn
các hoạt động kinh doanh bình thường và sẽ “cản
trở việc cải thiện môi trường kinh doanh ở Ấn Độ” bằng cách làm tổn hại đến
“sự tự tin và thiện chí” của các thực
thể nước ngoài đang tìm cách kinh doanh tại nước này, Tham tán Wang Xiaojian,
phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại địa phương, cho biết trong một
tuyên bố vào thứ 4.
Đại sứ quán Trung Quốc cho biết họ
đang theo sát vấn đề và hy vọng rằng Ấn Độ sẽ cung cấp một môi trường kinh
doanh công bằng và không phân biệt đối xử đối với các công ty Trung
Quốc hoạt động tại Quốc gia này.
Các hoạt động kinh doanh của Trung Quốc
tại Ấn Độ - quốc gia vốn có thể đã vượt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân
nhất thế giới, đã phải đối mặt với sự giám sát ngày càng nhiều từ cơ quan quản
lý kể từ cuộc đụng độ biên giới giữa 2 quốc gia vào năm 2020 .
Vào tháng 6 năm 2020, hai tuần sau cuộc
xung đột, New Delhi đã nhắm mục tiêu vào các công ty công nghệ Trung Quốc bao gồm
Tencent Holdings , Baidu và Alibaba Group Holding , chủ sở hữu của South China
Morning Post(SCMP). Ấn độ cũng đã cấm 59 ứng dụng di động vì lý do an ninh quốc
gia, bao gồm cả TikTok . Và kể từ đây, số lượng này ngày một ra tăng.
Ấn Độ được đánh giá là một thị trường
quan trọng đối với các công ty công nghệ Trung Quốc với quy mô và dân số trẻ. Tại
quê nhà, các thương hiệu Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng bão hòa thị
trường, các giám sát chặt chẽ trong lĩnh vực công nghệ của chính phủ và tình trạng
già hóa dân số nhanh chóng.
Theo công ty nghiên cứu Counterpoint,
các thương hiệu điện thoại thông minh Trung Quốc đã thống trị thị trường ở Ấn Độ,
nơi có gần 800 trăm triệu người dùng internet, nhờ vào mức giá phải chăng của họ.
Trong quý đầu tiên năm nay, Xiaomi là thương hiệu điện thoại thông minh bán chạy
nhất ở Ấn Độ với 23% thị phần, đánh bại gã khổng lồ điện thoại thông minh Hàn
Quốc Samsung Electronics với 16%.
Vivo là thương hiệu công nghệ thứ ba
của Trung Quốc bị điều tra và trừng phạt vì lý do vi phạm tài chính ở Ấn Độ
trong năm qua. Vào tháng 5 vừa qua, cơ quan giám sát tội phạm tài chính Ấn độ cho
biết họ đã thu giữ 725 triệu đô la Mỹ từ Xiaomi , cáo buộc công ty có trụ sở tại
Bắc Kinh chuyển tiền bất hợp pháp. Công ty này sau đó đã bị Bộ Tài chính Ấn Độ
yêu cầu trả 87,8 triệu đô la Mỹ tiền thuế nhập khẩu mà Hãng này bị cáo buộc nợ.
Các văn phòng của Huawei cũng bị cơ
quan thuế Ấn Độ khám xét tương tự vào đầu năm nay vì cáo buộc trốn thuế .
Công ty đại diện cho 3 thương hiệu
trên cho biết họ luôn tuân thủ luật pháp và quy định của địa phương và sẽ hợp
tác với các cơ quan chức năng.
Theo SCMP