Gần đây, mạng xã hội tràn ngập video mukbang món măng vầu ngọt Tây Bắc, thu hút sự quan tâm lớn từ người tiêu dùng. Bắt nhịp xu hướng, nhiều tiểu thương tại TP.HCM đã nhập măng về bán, đẩy giá loại thực phẩm này cao gấp nhiều lần.
Khoảng một tháng
trở lại đây giá măng vầu ngọt Tây Bắc đã tăng gấp nhiều lần so với trước đó. Từ
một món ăn dân dã, giá chỉ dao động 20.000 - 30.000 đồng/kg, nay măng vầu đã bị
đẩy lên khoảng 65.000 đồng/kg, thậm chí có nơi bán tới 120.000 đồng/kg tại
TP.HCM.
Chị Huyền Châm (quận
Bình Thạnh, TP.HCM) đã chi hơn 200.000 đồng để mua măng vầu ngọt Tây Bắc về ăn
thử. Chị nhận xét món ăn này có vị ngọt nhẹ, khi luộc lên có hương thơm đặc
trưng, giống mùi bắp. "Hương vị không quá đặc sắc nhưng khá lạ miệng",
chị Châm chia sẻ.
Trong khi đó, Mai
Kim Chung (TP Thủ Đức) sau khi mua về ăn thử lại cảm thấy không đáng giá số tiền
bỏ ra.
Chị nói: "Do
măng vầu khá nặng, khi bỏ hết phần vỏ cứng bên ngoài và gốc cứng, phần ăn được
không còn nhiều. Mua một ký mà gọt xong chỉ còn một ít, đủ nếm cho biết chứ ăn
không bõ miệng".
Theo tìm hiểu,
măng vầu ngọt là đặc sản của vùng Tây Bắc, mùa măng thường kéo dài từ tháng 1 đến
tháng 3 hằng năm. Nhiều chủ kinh doanh cho biết loại măng này có vị ngọt, giòn
hơn so với măng thường và không có mùi hăng của măng. Măng ngon nhất khi luộc
chấm với chẩm chéo hoặc xào cùng thịt bò.
Chị Nguyễn Xuyến -
kinh doanh cửa hàng bán đặc sản vùng miền tại quận Tân Bình - cho biết mùa măng
vầu ngọt chỉ kéo dài khoảng hai tháng. Loại măng này giữ được độ ngọt khi còn nằm
dưới lòng đất, nhưng khi đã nhú lên khỏi mặt đất, vị sẽ chuyển sang đắng.
"Nếu muốn trải nghiệm măng vầu ngọt, tốt nhất nên mua vào tháng 2",
chị Xuyến khuyến nghị.
Để đảm bảo măng giữ
được độ tươi ngon, tránh hư hỏng trong quá trình vận chuyển từ vùng lạnh Tây Bắc
về TP.HCM, chị Xuyến chọn nhập hàng bằng đường hàng không thay vì đường bộ.
"Lô hàng đầu
tiên tôi nhập gần 1 tấn bằng đường bộ, nhưng phải bỏ đi hoàn toàn vì măng bị hỏng
do thay đổi môi trường và vận chuyển lâu ngày. Rút kinh nghiệm, tôi chuyển sang
nhập hàng bằng đường hàng không, dù chi phí cao hơn nhiều nhưng chất lượng đảm
bảo. Dù vậy, lượng hàng nhập về vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu khách",
chị nói.
Theo chị Xuyến,
khách mua măng vầu rất đa dạng, từ sinh viên đến dân văn phòng. Nhiều người tò
mò mua thử 1-2kg, sau đó quay lại mua số lượng lớn làm quà tặng bạn bè, người
thân.
Tuy nhiên, không phải ai cũng thuận lợi kinh doanh mặt hàng này. Chị Nguyễn Hồng (ngụ quận 12), chuyên bán đặc sản vùng miền, cho biết đã quyết định ngừng bán măng vầu do khó kiểm soát chất lượng.
"Hàng hot
và bán chạy nhưng bị trộn măng già nhiều, dễ hỏng, sau vài lần khách phàn nàn về
măng đắng, tôi phải bù tiền. Gần đây nguồn hàng càng khan hiếm, chất lượng
không ổn định nên tôi quyết định dừng hẳn, hẹn khách năm sau", chị Hồng
chia sẻ.
Bên cạnh cơn sốt
giá, nhiều người tiêu dùng cũng lo ngại về vấn đề an toàn thực phẩm khi sử dụng
măng vầu.
Trong các hội
nhóm, người dùng truyền nhau kinh nghiệm sơ chế đúng cách để loại bỏ độc tố.
Tương tự nhiều loại măng khác, măng vầu có chứa độc tố tự nhiên, nếu không sơ
chế kỹ có thể gây buồn nôn, chóng mặt, đau đầu, đau bụng, tiêu chảy, thậm chí
ngộ độc nặng dẫn đến hôn mê, thậm chí tử vong.
Ngoài ra, do chứa
hàm lượng chất xơ không hòa tan cao, nhiều người cũng lo ngại nếu ăn quá nhiều
măng vầu có thể gây đầy hơi, khó tiêu, đau bụng.
Lào Cai dừng khai
thác măng vầu
Theo quyết định
đăng tải trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Lào Cai, UBND huyện Văn Bàn đã ban
hành công văn yêu cầu dừng khai thác măng vầu trên địa bàn toàn huyện. Theo đó,
chủ tịch UBND huyện yêu cầu các đơn vị liên quan, UBND các xã, các đơn vị chủ rừng
thông báo rộng rãi đến người dân về thời gian khai thác măng vầu trên địa bàn
toàn huyện đến hết ngày 28-2-2025.
Từ ngày 1-3-2025,
các đơn vị này phải dừng khai thác, mua bán, vận chuyển cũng như tiêu thụ sản
phẩm măng vầu tươi. Điều này nhằm chăm sóc, bảo vệ diện tích cây vầu, đảm bảo
cho cây sinh trưởng, phát triển tốt vào các năm tiếp theo