Thị trường tín chỉ carbon toàn cầu cũng được kỳ vọng sẽ huy động hàng tỷ USD cho các dự án mới giúp chống lại tình trạng nóng lên của Trái đất.

Theo thỏa thuận kể trên, tín dụng carbon được tạo ra thông qua các dự án như trồng rừng, điện gió... sẽ được giao dịch, giúp các quốc gia, công ty đạt được mục tiêu khí hậu đã đề ra. Thỏa thuận nguyên tắc được thông qua cũng giúp hệ thống thương mại tập trung của Liên hợp quốc có khả năng được triển khai ngay vào năm tới.

IETA, một nhóm doanh nghiệp ủng hộ việc mở rộng giao dịch tín chỉ carbon, cho biết một thị trường do Liên hợp quốc hậu thuẫn có thể đạt giá trị lên tới 250 tỷ USD/năm vào năm 2030 và giúp bù đắp thêm 5 tỷ tấn khí thải carbon mỗi năm.

Mặc dù vậy, các nhà đàm phán tại COP29 vẫn đang tiếp tục bàn thảo để thống nhất thêm các chi tiết về một hệ thống song phương riêng biệt, qua đó giúp các quốc gia có thể giao dịch trực tiếp tín chỉ carbon với nhau.

Hệ thống này bao gồm các chi tiết như: cách thức xây dựng sổ đăng ký theo dõi tín dụng carbon, lượng thông tin mà các quốc gia chia sẻ về thỏa thuận của mình cũng như phương án đề ra khi các dự án gặp trục trặc...

Trong một diễn biến liên quan, Azerbaijan, nước chủ nhà COP29 cũng đã công bố một dự thảo thuận trong đó đề xuất cho phép một số quốc gia phát hành tín chỉ carbon thông qua hệ thống đăng ký riêng mà không cần có sự chấp thuận của Liên hợp quốc.

Khi việc củng cố thị trường tín chỉ carbon toàn cầu đang là trọng tâm chính của các cuộc đàm phán tại Baku, hoạt động thương mại song phương thực tế đã bắt đầu vào tháng 1/2024 khi Thụy Sĩ mua tín chỉ từ Thái Lan và hàng chục quốc gia khác đã đạt được thỏa thuận chuyển giao tín chỉ.

Thông qua thỏa thuận gói tài chính khí hậu hàng năm

Ngoài việc đạt được thỏa thuận về các quy tắc cho một thị trường tín chỉ carbon toàn cầu, điểm nhấn tiếp theo của Hội nghị COP 29 năm nay tại Azerbaijan đã kết thúc sau khi các nước thông qua mục tiêu tài chính khí hậu hàng năm là 300 tỷ USD.

Thỏa thuận đạt được trong những giờ làm việc kéo dài hơn so với lịch trình ban đầu của các cuộc đàm phán khó khăn tại Baku, Azerbaijan.

Theo thỏa thuận, các nước giàu cam kết cung cấp 300 tỷ USD mỗi năm cho các nước nghèo đến năm 2035 để giúp họ ứng phó với những tác động ngày càng thảm khốc của cuộc khủng hoảng khí hậu.

Ông Mukhtar Babayev - Chủ tịch COP29 - phát biểu: "Đối mặt với rất nhiều thách thức nhưng chúng tôi vẫn kiên định với ưu tiên đàm phán hàng đầu của hội nghị, một mục tiêu tài chính khí hậu mới. Đây là nhiệm vụ khó khăn nhất từ trước đến nay trong tiến trình đàm phán khí hậu đa phương. Với bước đột phá này, mục tiêu tài chính Baku sẽ biến hàng tỷ thành hàng nghìn tỷ (USD) trong thập kỷ tới".

Việc đạt được thỏa thuận tài chính khí hậu đã là một thách thức ngay từ đầu.

 

Chủ tịch COP29 Mukhtar Babayev (giữa) phát biểu tại phiên họp bế mạc Hội nghị COP29 tại Baku (Ảnh: AFP)

Các nước châu Phi kỳ vọng con số mục tiêu hàng năm là 1.300 tỷ USD. Trong khi đó, các nước tài trợ gồm Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh, Nhật Bản, Canada, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, Na Uy, Iceland, New Zealand và Australia cho rằng con số trên là không thực tế. Một số nước đang phát triển đã lên tiếng phản đối, cho rằng thỏa thuận 300 tỷ USD vừa được thông qua là không đủ.

Bà Chandni Raina - đại diện đoàn Ấn Độ - nói: "Tôi rất tiếc phải nói rằng văn kiện này không hơn gì một ảo ảnh. Theo chúng tôi, nó sẽ không giải quyết được tầm vóc to lớn của thách thức mà tất cả chúng ta đang đối mặt. Do đó, chúng tôi phản đối việc thông qua văn kiện này".

Những bất đồng về tài chính khí hậu được đặt lên bàn đàm phán trong 1 năm qua được đánh giá là nóng nhất từ trước đến nay.

Và không chỉ các nước nghèo dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, các nước phát triển như Mỹ cũng hứng chịu những siêu bão gây thiệt hại lớn. Hoặc tại Tây Ban nha, hơn 200 người đã thiệt mạng khi lượng mưa trút xuống trong vài giờ tương đương lượng mưa trong cả môt năm.

T/h