Tuy nhiên, để biến lĩnh vực này thành một trong những động lực tăng trưởng bền vững của đất nước, cần một chiến lược dài hơi, bài bản và đồng bộ. Bởi các sản phẩm văn hóa của Việt Nam vẫn chưa thể thực sự cạnh tranh trên thị trường quốc tế...
Những tín hiệu
lạc quan
Lĩnh vực điện ảnh ngày càng khởi sắc, các bộ
phim trăm tỷ đồng ngày càng xuất hiện nhiều. Những tháng đầu năm 2025, thị trường
phim điện ảnh ra rạp đua tranh khá sôi động, với nhiều tác phẩm nhanh chóng gây
sốt đạt mốc 100 tỷ đồng. Cuộc đua của “Bộ tứ báo thủ” (Trấn Thành), “Nụ hôn bạc
tỷ” (Thu Trang), “Đèn âm hồn” (Hoàng Nam) và “Nhà gia Tiên” (Huỳnh Lập) khá gay
cấn.
Đặc biệt, bộ phim điện ảnh “Địa đạo: Mặt trời
trong bóng tối” vừa ra mắt khán giả Hà Nội tối 2/4 nhận rất nhiều lời khen của
giới chuyên môn và được đánh giá là một trong những phim chiến tranh hay nhất của
Việt Nam từ trước đến nay.
Tương tự, làn sóng các chương trình âm nhạc
cũng trở nên sôi động và đạt được nhiều thành công đáng kể. Nhiều nghệ sĩ trẻ
thành công trên nền tảng số và hợp tác với quốc tế. Sơn Tùng M-TP, Hoàng Thùy
Linh, Da LAB, Suboi… đều góp phần đưa nhạc Việt vươn xa.
Ấn tượng nhất phải kể đến chương trình “Anh
trai vượt ngàn trông gai” không chỉ gây sốt với khán giả mà còn liên tục thiết
lập những kỷ lục mới, minh chứng cho sức hút mạnh mẽ của các sản phẩm giải trí
trong nền công nghiệp văn hóa.
Hay như mới đây, MV “Bắc Bling” của ca sĩ Hòa
Minzy đã lọt top các bảng xếp hạng tại Australia, Singapore, Hàn Quốc... Bên cạnh
đó, sự phát triển của nền tảng số và mạng xã hội đã tạo điều kiện cho nội dung
sáng tạo lan tỏa rộng rãi hơn.
Live concert “Anh trai vượt ngàn chông gai" tạo đột phá cho thị trường
biểu diễn tại Việt Nam.
Ảnh: Thùy Trang
Lĩnh vực di sản, Văn Miếu - Quốc Tử Giám
không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị di sản văn hóa mà còn là không gian để
phát huy và khai thác kinh tế chúng một cách hiệu quả. Việc tận dụng di sản
theo hướng này không chỉ góp phần tôn vinh giá trị văn hóa mà còn giúp quảng bá
hình ảnh của Văn Miếu - Quốc Tử Giám rộng rãi hơn, vươn xa tới tầm quốc tế.
Đưa ra các dẫn chứng trên để thấy, nếu nền
công nghiệp văn hóa được đầu tư bài bản, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà
còn đóng vai trò quan trọng trong việc lan tỏa và phát triển văn hóa một cách bền
vững.
Nhìn lại những thành tựu mà công nghiệp văn
hóa nước nhà đã đạt được trong thời gian qua, TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc
hội (nay là Ủy ban Văn hóa và Xã hội) đánh giá cao những nỗ lực của ngành văn
hóa, những người làm văn hóa và các đơn vị trong công cuộc gìn giữ và phát huy
giá trị văn hóa. “Đây là tín hiệu tích cực để hy vọng vào những thành quả tốt
hơn của công nghiệp văn hóa trong thời gian tới” - ông Chức nói.
Cần tính chuyên
nghiệp và sự kết nối giữa nghệ thuật và thị trường
Mặc dù xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực như
vậy nhưng khách quan nhìn nhận thì công nghiệp văn hóa Việt Nam vẫn đối mặt với
nhiều thách thức lớn. Một trong những điểm yếu quan trọng là thiếu tính chuyên
nghiệp trong thương mại hóa sản phẩm văn hóa. Nhiều tác phẩm hay nhưng chưa được
đầu tư bài bản trong khâu tiếp thị và phân phối, dẫn đến việc khó tiếp cận thị
trường rộng lớn.
Chẳng hạn, bộ phim "Song Lang" dù
nhận được nhiều lời khen từ giới chuyên môn nhưng lại không đạt doanh thu cao
do chưa có chiến lược quảng bá hiệu quả. Hay như bộ phim “Những đứa trẻ trong
sương” là một trong những tác phẩm hiếm hoi tạo được bước đột phá. Bộ phim đã
tham gia gần 100 liên hoan phim quốc tế, được công chiếu tại nhiều rạp ở Mỹ, Hà
Lan, Singapore… và giành hàng chục giải thưởng cùng đề cử danh giá. Tuy nhiên,
hành trình của “Những đứa trẻ trong sương” cũng như số phận của một số bộ phim
Việt từng gây tiếng vang chủ yếu dựa vào nỗ lực cá nhân của các nhà làm phim.
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn -
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, chúng ta
không thiếu những ý tưởng độc đáo, những tác phẩm giàu chiều sâu, đậm bản sắc
và khả năng lay động lòng người. Nhưng rất nhiều trong số đó dừng lại ở mức
"tốt trong khuôn khổ", chưa thể vươn ra thị trường một cách mạnh mẽ.
Có lẽ vì quy trình để biến một sản phẩm văn hóa thành hàng hoá – một “tài sản
văn hóa” đúng nghĩa – vẫn còn những mắt xích chưa trọn vẹn, thiếu sự kết nối giữa
nghệ thuật và thị trường, giữa sáng tạo và chiến lược.
“Một tác phẩm văn hoá, để đi xa, không thể chỉ
có một khởi đầu tốt. Nó cần được “nuôi lớn” bằng sự đầu tư nghiêm túc, từ khâu
phát triển ý tưởng, nghiên cứu thị trường, đến thiết kế sản phẩm, định vị
thương hiệu, truyền thông và phân phối. Nhưng điều mà nhiều nghệ sĩ, đơn vị sản
xuất ở Việt Nam còn thiếu, chính là tư duy hệ sinh thái – tư duy nhìn sản phẩm
văn hoá không chỉ như một tác phẩm để trưng bày, mà là một dòng chảy có thể
sinh lợi, có thể cộng hưởng, và lan toả giá trị” - ông Sơn nói.
Nhiều điểm
nghẽn
Việc phát triển công nghiệp văn hóa tại Việt
Nam không chỉ gặp khó khăn trong việc kết nối để đưa sản phẩm văn hóa vươn ra
thị trường quốc tế, mà còn đối mặt với một số rào cản, hạn chế khả năng khai
thác tối đa tiềm năng và lợi thế sẵn có. Những thách thức này xuất phát từ nhiều
khía cạnh, bao gồm chính sách chưa đồng bộ, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, nguồn
nhân lực chưa đáp ứng đủ nhu cầu, cùng với nhận thức xã hội về lĩnh vực này vẫn
chưa thực sự sâu sắc.
TS Phạm Việt Long - nguyên Chủ tịch Hội đồng
Quản lý Viện Nghiên cứu văn hóa và phát triển đã thẳng thắn chỉ ra những rào cản
khiến cho con đường bứt phá của công nghiệp văn hóa tại Việt Nam bị “tắc nghẽn”.
Theo ông Long, một trong những rào cản lớn nhất
là khung pháp lý và chính sách hỗ trợ còn chưa hoàn thiện. Mặc dù Chính phủ đã
ban hành một số chính sách nhằm thúc đẩy công nghiệp văn hóa, nhưng việc triển
khai còn gặp nhiều khó khăn, thiếu tính đồng bộ và chưa tạo ra được môi trường
thuận lợi cho doanh nghiệp và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này.
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực
công nghiệp văn hóa, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thường gặp khó
khăn trong việc tiếp cận vốn, dẫn đến tình trạng thiếu hụt kinh phí để sáng tạo,
sản xuất và quảng bá sản phẩm ra thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, vấn đề bản
quyền và bảo vệ sở hữu trí tuệ chưa được thực thi nghiêm ngặt cũng là một rào cản
lớn. Việc vi phạm bản quyền tràn lan khiến nhiều nhà sáng tạo và doanh nghiệp bị
thiệt hại, làm giảm động lực đổi mới và sáng tạo. Cuối cùng, nguồn nhân lực chất
lượng cao trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa còn thiếu hụt.
Còn theo TS Nguyễn Viết Chức, chúng ta vẫn
chưa nhìn nhận văn hóa như một lĩnh vực có tiềm năng sản xuất mà chủ yếu xem nó
dưới góc độ tiêu dùng. Cách tiếp cận này đã kéo dài quá lâu, dần trở thành thói
quen, khiến việc chuyển đổi sang tư duy mới gặp nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, các
quy định, quy chế liên quan còn thiếu đồng bộ, trong khi chính những người làm
trong ngành văn hóa cũng chưa quen với tư duy sản xuất, chưa tạo ra được những
sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Cùng quan điểm, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng,
vấn đề thách thức lớn là khung thể chế và chính sách còn chưa theo kịp với sự
phát triển của thực tiễn. Và việc thiếu đội ngũ nhân lực chất lượng cao.
Tăng cường hợp
tác công tư
Để thúc đẩy công nghiệp văn hóa, Việt Nam cần
có một cuộc đổi mới toàn diện. Từ việc hoàn thiện chính sách, đầu tư mạnh mẽ
vào cơ sở hạ tầng, đến phát triển nguồn nhân lực và nâng cao nhận thức xã hội,
tất cả đều đóng vai trò then chốt. Khi những vấn đề này được giải quyết triệt để,
ngành công nghiệp văn hóa mới có thể vươn lên mạnh mẽ, khẳng định vị thế và trở
thành một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế đất nước.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, để gỡ các nút thắt
và đưa các sản phẩm văn hóa Việt Nam thực sự vươn xa và khẳng định được vị thế
trên trường quốc tế, cần có một chiến lược đồng bộ, dài hạn và sáng tạo.
Một chiến lược dài hơi cho công nghiệp văn
hóa Việt Nam không thể chỉ là những con số mục tiêu hay những bản kế hoạch nằm
trên giấy. Nó phải bắt đầu từ khát vọng – khát vọng kiến tạo một nền kinh tế
sáng tạo có bản sắc, có năng lực cạnh tranh toàn cầu, và hơn hết, có khả năng
khơi dậy niềm tự hào dân tộc từ mỗi sản phẩm văn hóa được làm ra.
“Không thể có công nghiệp văn hoá nếu không
có một thế hệ công dân sáng tạo – những người không chỉ dám mơ, dám nghĩ khác,
mà còn được trang bị đủ tri thức, kỹ năng và niềm tin để hiện thực hóa những giấc
mơ ấy. Một chiến lược thực sự hiệu quả cần tạo ra hành lang pháp lý minh bạch,
linh hoạt, và đủ độ mở để đón nhận những mô hình kinh doanh mới, công nghệ mới,
hình thức thể hiện mới mà thị trường liên tục sản sinh. Công nghiệp văn hóa phải
được đặt trong một chiến lược phát triển quốc gia lớn hơn – gắn với du lịch,
ngoại giao, giáo dục, thương hiệu quốc gia. Mỗi sản phẩm văn hóa được mang ra
thế giới phải là một đại sứ – không chỉ để bán, mà còn để kể một câu chuyện Việt
Nam” - ông Sơn nói.
Còn theo TS Nguyễn Viết Chức, muốn công nghiệp văn hóa có thể bứt phá thì cần có sự quan tâm đúng mức. Trước hết, phải đổi mới cách làm việc và có tầm nhìn dài hạn trong phát triển công nghiệp văn hóa. Đồng thời, sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, ban, ngành là điều kiện tiên quyết - không ai có thể đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau.
Nhà nước đóng
vai trò “bà đỡ” cho thị trường văn hóa
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng
Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam: Cần tăng cường vai trò
của chính quyền địa phương trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sáng
tạo. Chính quyền địa phương cần đầu tư đúng mức, đưa văn hóa và sáng tạo vào
trung tâm chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh nguồn vốn từ Trung
ương, các địa phương phải cam kết chi ít nhất 2% ngân sách cho văn hóa, đảm bảo
tốc độ tăng đầu tư không thấp hơn tỷ lệ tăng trưởng nguồn thu.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương
Nhà nước quản lý hoạt động văn hóa thông qua
các công cụ luật pháp, kinh tế tài chính, hành chính, đồng thời cũng cần đóng
vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm văn
hoá.
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu. Cần xây dựng
Chiến lược văn hóa số, ưu tiên ngân sách cho số hóa, ứng dụng công nghệ hiện đại
vào các lĩnh vực thế mạnh như điện ảnh, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, đồng thời
tạo sản phẩm văn hóa số, mở rộng kênh phân phối, phát hành, xuất khẩu trên nền
tảng số.
Xây dựng
thương hiệu, đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm văn hóa
TS Phạm Việt Long - nguyên Chủ tịch Hội đồng
Quản lý Viện Nghiên cứu văn hóa và phát triển, cho rằng, với một chiến lược
toàn diện, đồng bộ và dài hạn, công nghiệp văn hóa Việt Nam hoàn toàn có thể trở
thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất
nước trong tương lai.
TS Phạm Việt Long
Tuy nhiên để thực hiện được điều này, trước
tiên cần xây dựng hệ thống lý luận về công nghiệp văn hóa của Việt Nam. Phải
hoàn thiện hệ thống pháp lý và cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi
cho doanh nghiệp và nghệ sĩ phát triển. Nhà nước cần có các chính sách khuyến
khích đầu tư, hỗ trợ tài chính và thúc đẩy hợp tác công - tư trong lĩnh vực
này.
Xây dựng thương hiệu văn hóa quốc gia và đẩy
mạnh xuất khẩu các sản phẩm văn hóa là việc cần làm sớm. Việc quảng bá văn hóa
Việt Nam ra thế giới không chỉ giúp tăng cường sức ảnh hưởng của quốc gia mà
còn mang lại giá trị kinh tế lớn. Cuối cùng, nâng cao nhận thức và ý thức bảo vệ
bản quyền trong ngành công nghiệp văn hóa. Đây là yếu tố then chốt để đảm bảo
quyền lợi của các nhà sáng tạo, từ đó thúc đẩy sự đổi mới và phát triển bền vững.
BĐĐK