Ngày 11/2 Tổng thống Donald Trump đã kí các văn kiện nâng thuế đối với nhôm và thép nhập khẩu vào Mỹ lên 25%; đồng thời hủy bỏ hạn ngạch miễn thuế nhập khẩu thép từng được Mỹ áp dụng với các nhà cung cấp lớn đến từ Canada, Mexico, Brazil và nhiều quốc gia khác.
Tờ New York Times cùng ngày dẫn tin từ quan chức Nhà
Trắng xác nhận, mức thuế quan mới sẽ được áp dụng với mọi quốc gia trên thế giới,
không ngoại lệ. Tổng thống Trump cũng đã chỉ đạo ngành hải quan nước này phải
tăng cường việc giám sát hoạt động nhập khẩu nhôm, thép vào Mỹ.
Ông Peter Navarro, Cố vấn thương mại của Tổng thống
Trump cùng ngày khẳng định, các biện pháp áp thuế mới sẽ mang lại lợi ích cho
các nhà sản xuất thép và nhôm nội địa của Mỹ; đồng thời củng cố an ninh kinh tế
và an ninh quốc gia.
"Thuế thép và nhôm phiên bản 2.0 sẽ chấm dứt tình trạng bán phá giá của nước ngoài, thúc đẩy sản xuất trong nước và bảo vệ ngành công nghiệp thép và nhôm của chúng ta như là ngành xương sống và trụ cột của nền kinh tế và an ninh quốc gia Mỹ", ông Navarro nói với các phóng viên.
Theo New York Times, các nhà sản xuất thép trong nước
của Mỹ hoan nghênh động thái của ông Trump. Tuy nhiên, việc tăng thuế nêu trên
được dự báo có thể kích động trả đũa đối với hàng xuất khẩu của Mỹ vào các quốc
gia khác; cũng như gây khó đối với các doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ, vốn đang
dùng lượng lớn kím loại để sản xuất ô tô, bao bì thực phẩm và các sản phẩm
khác.
Thách thức nhưng cũng là cơ hội cho Việt Nam
Theo thống kê của Hải quan Mỹ, năm 2024, Việt Nam xuất
khẩu khoảng 983 triệu USD thép và sản phẩm thép (tăng gần 159% so với năm
2023).
Đối với sản phẩm nhôm, năm 2024, Việt Nam xuất khẩu
khoảng 494 triệu USD nhôm và sản phẩm nhôm sang thị trường Mỹ, tăng 9,5% so với
năm 2023.
Hiện nay, mặt hàng nhôm và thép của Việt Nam vẫn đang
phải chịu mức thuế lần lượt là 10% và 25% theo mục 232 mà Mỹ áp dụng từ năm
2018 với hầu hết các nước, một số sản phẩm được loại trừ trong danh mục của Mỹ.
Theo ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Trưởng cơ
quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ nhận định, việc Mỹ sẽ áp dụng bố sung thuế 25% với
nhôm và thép nhập khẩu sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến các nước xuất khẩu nhôm
thép vào Mỹ trong thời gian tới như Canada, Mexico, Liên minh châu Âu (EU), Nhật
Bản…
Đối với Mỹ, biện pháp thuế chắc chắn sẽ khiến lạm phát
tăng lên khi nhôm và thép là những mặt hàng cơ bản và nhu cầu sử dụng lớn tại Mỹ.
Việc khó khăn trong xuất khẩu vào Mỹ cũng sẽ khiến chuỗi
cung ứng ứng bị ảnh hưởng, thép/nhôm các nước khó xuất khẩu vào Mỹ sẽ tìm đường
xuất khẩu sang các nước, trong đó có Việt Nam…
Tuy nhiên ở góc nhìn tích cực ông Đỗ Ngọc Hưng cũng nhận
định chính sách thuế mới cũng có cơ hội cho các nước, trong đó có Việt Nam.
Những doanh nghiệp lớn trong ngành thép vẫn có nhiều cơ hội tại thị trường Mỹ nếu tiếp tục hoặc áp dụng các khoản đầu tư mới vào thị trường này.
Thực tế, kể từ năm 2018, xuất khẩu thép của Việt Nam
sang Mỹ đã chịu mức thuế 25%, một số chính sách được áp dụng bởi chính quyền của
Tổng thống Donald Trump ngay những ngày đầu nhằm bảo vệ ngành sản xuất thép
trong nước của Mỹ.
Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Donald
Trump, một số quốc gia lớn như Canada, Mexico và Brazil đã được miễn trừ khỏi mức
thuế này, tạo ra sự không công bằng trong môi trường cạnh tranh cho các nhà xuất
khẩu thép không được miễn trừ, trong đó có Việt Nam.
Do vậy, động thái năm 2025 không thay đổi với Việt Nam
và mức thuế 25%, Việt Nam không nằm trong danh mục miễn trừ năm 2018, vì vậy
thép xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ đã phải chịu mức thuế này trong suốt giai đoạn
này. Chính vì thế khi tổng thống Trump duy trì việc đánh thuế thép và không miễn
trừ quốc gia nào thì không ảnh hưởng thêm tới Việt Nam.
"Thêm vào đó, có một điểm đáng chú ý là việc áp dụng
mức thuế đồng nhất này có thể tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp thép Việt Nam.
Khi không còn sự phân biệt giữa các quốc gia xuất khẩu thép vào Mỹ, các công ty
thép Việt Nam sẽ không còn phải đối mặt với sự cạnh tranh về giá từ các quốc
gia thấp hơn như Canada, Mexico, Brazil"
- ông Hưng thông tin.
Điều này có thể giúp các doanh nghiệp thép, nhôm của
Việt Nam giảm bớt sức ép cạnh tranh về giá và cải thiện lợi nhuận trong ngắn hạn.
Ngoài ra, theo phân tích và đánh giá từ các chuyên gia
kinh tế và các công ty chứng khoán cũng đồng tình với quan điểm cho rằng ảnh hưởng
của chính sách thuế quan từ ông Trump đối với Nhôm thép Việt Nam không quá lớn
do xuất khẩu sang Mỹ chiếm tỷ trọng nhỏ, doanh nghiệp đã dần đa dạng hóa thị
trường xuất khẩu.
Trong nhiều năm qua, các sản phẩm nhôm thép của Việt
Nam cũng là đối tượng thường xuyên trong các vụ kiện phòng vệ thương mại. Với sản
phẩm thép, Mỹ đã điều tra hơn 34 vụ, chiếm hơn 50% tổng số vụ kiện mà Mỹ điều
tra phòng vệ thương mại với Việt Nam còn với sản phẩm nhôm là 2 vụ việc.
Xét về dài hạn, Hệ lụy từ việc áp thuế sẽ khiến chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng, khi các nước tìm đường xuất khẩu sang các nước khác, trong đó có Việt Nam. Nhiều nhà sản xuất, xuất khẩu thép quay lại thị trường nội địa khiến các nước tăng cường bảo hộ, cũng gây ảnh hưởng tới các quốc gia xuất khẩu thép như Việt Nam.
Theo các chuyên gia, tăng thuế có thể có lợi cho ngành
nhôm và thép của Mỹ, nhưng ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung do chi phí nhập
khẩu tăng, đồng thời đe dọa gia tăng đối đầu thương mại giữa Mỹ và các nước
khác.
Trước động thái này, Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ
khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam cần đánh giá tình hình để có chiến lược kinh
doanh phù hợp, mở rộng xuất khẩu sang các thị trường có FTA với Việt Nam, tránh
phụ thuộc vào một thị trường. Cùng đó, doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với Cục
Phòng vệ thương mại của Bộ Công thương và cơ quan đại diện ngoại giao ở nước
ngoài theo dõi sát tình hình để có phản ứng phù hợp.
T/h