Mới đây, Ông Roh Tae-Moon - Tổng Giám đốc Tập đoàn Samsung Điện tử (Hàn Quốc) - cho biết: Tập đoàn đang chuẩn bị điều kiện để sản xuất thử các sản phẩm lưới bóng chíp bán dẫn và sẽ sản xuất đại trà từ tháng 7/2023 tại Nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại Thái Nguyên. Tập đoàn này cũng dự kiến khánh thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại TP. Hà Nội vào cuối năm 2022, đầu năm 2023. Đây cũng là Trung tâm R&D của Tập đoàn Samsung không chỉ cho Việt Nam mà cho cả khu vực Đông Nam Á, hiện đã hoàn thành khoảng 85%.

Việc Tập đoàn Samsung lên kế hoạch sản xuất sản phẩm chip bán dẫn tại Việt Nam, đồng thời thành lập Trung tâm R&D cho cả khu vực Đông Nam Á tại đây cho thấy, tập đoàn đã coi Việt Nam là trung tâm sản xuất các sản phẩm của toàn khu vực.

Bên cạnh Samsung, mới đây, tờ Nikkei Asia đăng tải thông tin, hãng Apple - tập đoàn công nghệ đa quốc gia của Hoa Kỳ - cũng đang lên kế hoạch để sản xuất Apple Watch và MacBook tại Việt Nam. Để chuẩn bị cho sự kiện này, Tập đoàn khoa học, kỹ thuật Hồng Hải (Foxconn) - đối tác hàng đầu của Apple - cũng đã tìm cách mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam bằng Biên bản ghi nhớ thuê hơn 50ha đất tại Khu công nghiệp Quang Châu (tỉnh Bắc Giang). Theo kế hoạch, Foxconn sẽ rót vào dự án mới này 300 triệu USD và sử dụng khoảng 30.000 lao động tại địa phương.

Trước đó, năm 2021, Tập đoàn LG Hàn Quốc cũng đã 2 lần tăng vốn đầu tư tại Việt Nam với Dự án LG Display Việt Nam, Hải Phòng (LGD)…

Theo các chuyên gia kinh tế, những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới liên tục cam kết đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam là một tín hiệu tích cực, chứng tỏ sức hấp dẫn của môi trường đầu tư trong nước. Đặc biệt, việc Tập đoàn Samsung lên kế hoạch sản xuất lưới bóng chip bán dẫn tại Việt Nam, theo TS. Trần Toàn Thắng - Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), điều này sẽ mở ra những cơ hội lớn cho Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, với những sản phẩm công nghệ có hàm lượng cao hơn. Đây cũng là tín hiệu tốt cho môi trường đầu tư Việt Nam.

Cơ hội rất lớn, nhưng bên cạnh đó là những thách thức không hề nhỏ, bởi chip bán dẫn là những sản phẩm đòi hỏi hàm lượng công nghệ cao, trong khi đó nguồn lao động của Việt Nam vẫn được đánh giá chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất các sản phẩm đòi hỏi công nghệ cao. Liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực, báo cáo của Ngân hàng Thế giới vừa công bố hồi đầu tháng 8 cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là lao động có tay nghề và kỹ năng quản lý. Trong khi đó, theo ông Tô Ngọc Phương - Giám đốc HANPO VINA - doanh nghiệp chuyên sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho các tập đoàn toàn cầu tại Việt Nam, việc các tập đoàn lớn đầu tư tại Việt Nam mở ra cơ hội "ngàn năm có một" cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước. Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam lại là doanh nghiệp nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu và thiếu vốn để đầu tư công nghệ hiện đại hay đáp ứng dây chuyền sản xuất liên tục thay đổi của các tập đoàn toàn cầu

Theo Chu Huỳnh - BCT