Trong tuyên bố đưa ra hôm nay (5/4), Phó Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Nhân dân Indonesia, Eddy Soeparno cho biết, để đối phó với chính sách thuế quan đối ứng của Mỹ, một trong những bước chính phủ cần thực hiện là chủ động tăng cường ngoại giao thương mại để ngăn ngừa những tác động tiêu cực đến nền kinh tế quốc gia. Không để ngành công nghiệp trong nước bị ảnh hưởng sâu sắc hơn nữa. Bởi hiện nay một số nhà máy sản xuất hàng điện tử, giầy thể thao, dệt may đang gặp nhiều khó khăn, như trường hợp công ty may Sritex bị phá sản khiến hàng nghìn lao động bị mất việc.
Do đó ông Eddy Soeparno cho rằng,
ngoài việc tăng cường ngoại giao thương mại với Mỹ nhằm đạt được miễn thuế cho
một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực, chính phủ Indonesia cần mở rộng thị trường
xuất khẩu. Đặc biệt vào đầu năm nay, Tổng thống Prabowo đã hành động nhanh
chóng đưa Indonesia trở thành thành viên chính thức của nhóm BRICS. Và bây giờ
là thời điểm chính phủ tận dụng vị thế này để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Indonesia cần phải thực hiện các bước đi này để cán cân thương mại không bị ảnh
hưởng bởi chính sách bảo hộ của một số quốc gia, như chính sách của Tổng thống
Donald Trump áp dụng.
Ngoài ra ông Eddy Soeparno cho
biết, chính phủ vẫn cần tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm quốc gia. Trong đó
ngành công nghiệp phải sáng tạo và hiệu quả hơn. Chính phủ cần cung cấp các ưu
đãi cho các ngành công nghiệp chiến lược để có thể cạnh tranh trên toàn cầu, bất
kể chính sách khác nhau của mỗi quốc gia.
Trước đó hôm 2/4, Tổng thống Mỹ
Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp về thuế quan. Theo đó, tất cả hàng
hoá nhập khẩu có nguồn gốc từ Indonesia sẽ phải chịu mức thuế 32% của chính phủ
Mỹ, sắc lệnh này sẽ có hiệu lực từ ngày 9/4 tới.
Theo VOV