Nhiều khả năng, họ sẽ phê duyệt một loạt các biện pháp đối phó đầu tiên, nhắm vào lượng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ với trị giá lên đến 28 tỷ USD - từ chỉ nha khoa cho đến kim cương.

Theo Reuters, với động thái này, EU cùng với Trung Quốc, Canada áp thuế trả đũa đối với Mỹ, tạo nên tình trạng leo thang mà nhiều người lo ngại sẽ trở thành cuộc chiến thương mại toàn cầu, khiến hàng hóa đắt đỏ hơn với hàng tỷ người tiêu dùng, đồng thời đẩy các nền kinh tế trên toàn thế giới vào suy thoái.

 

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen sẽ có thảo luận riêng với đại diện các ngành trọng điểm để tìm ra phương án đáp trả thuế đối ứng từ Mỹ hợp lý. Ảnh: Reuters.

Tính toán đáp trả bằng thuế

Khối 27 quốc gia châu Âu đang phải đối mặt với mức thuế nhập khẩu 25% đối với thép, nhôm, ôtô, và mức thuế đối ứng 20% đối với hầu hết mặt hàng khác kể từ 2/4.

Thuế quan của Trump bao phủ khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu của EU sang Mỹ - tổng cộng trị giá 532 tỷ euro (585 tỷ USD) vào năm ngoái - và dự kiến còn áp dụng thêm đối với các mặt hàng như đồng, dược phẩm, chất bán dẫn, gỗ.

Tối 7/4, Ủy ban châu Âu, cơ quan điều phối chính sách thương mại của EU, sẽ đề xuất với các nước thành viên danh sách các sản phẩm của Mỹ bị áp thuế bổ sung để đáp trả các mức thuế đối với thép và nhôm của Trump, thay vì áp thuế trên diện rộng như các biện pháp "có đi có lại".

Danh sách này dự kiến bao gồm thịt, ngũ cốc, rượu vang, gỗ và quần áo từ Mỹ, cũng như kẹo cao su, chỉ nha khoa, máy hút bụi, giấy vệ sinh.

Một mặt hàng nhận được nhiều sự chú ý và gây ra bất đồng trong khối là bourbon (rượu whisky của Mỹ). Ủy ban đã đề xuất mức thuế 50% đối với mặt hàng này, dẫn đến việc Trump đe dọa sẽ áp mức thuế trả đũa 200% đối với rượu của EU.

Các quốc gia xuất khẩu rượu như Pháp và Italy bày tỏ lo ngại. EU, với nền kinh tế phụ thuộc lớn vào thương mại tự do, đang nỗ lực để đảm bảo có được sự ủng hộ rộng rãi cho bất kỳ phản ứng nào, nhằm tạo áp lực buộc Trump phải bước vào bàn đàm phán.

Luxembourg sẽ tổ chức cuộc họp chính trị toàn khối đầu tiên vào ngày 6/4 kể từ khi ông Trump công bố thuế quan quy mô lớn. Tại đây, các bộ trưởng phụ trách thương mại của 27 nước thành viên EU sẽ trao đổi quan điểm về tác động của thuế và cách phản ứng hiệu quả nhất.

Các nhà ngoại giao EU cho biết mục tiêu chính của cuộc họp là đưa ra thông điệp thống nhất: Mong muốn đàm phán với Washington để gỡ bỏ thuế quan, nhưng cũng sẵn sàng phản công nếu đàm phán thất bại.

“Nỗi sợ lớn nhất của chúng tôi sau Brexit là các thỏa thuận song phương và sự chia rẽ, nhưng sau 3 hoặc 4 năm đàm phán, điều đó đã không xảy ra. Tất nhiên, tình huống lần này khác, nhưng ai cũng thấy lợi ích từ một chính sách thương mại chung”, một nhà ngoại giao EU cho biết.


Rượu là mặt hàng gây bất đồng trong EU về cách đáp trả chính sách thuế đối ứng từ Mỹ. Ảnh: Reuters.

Các biện pháp ‘phản công’

Nội bộ EU cũng có nhiều quan điểm khác nhau về cách phản ứng. Pháp cho rằng EU nên xây dựng một gói phản ứng vượt xa thuế quan và Tổng thống Emmanuel Macron gợi ý các công ty châu Âu nên tạm ngừng đầu tư vào Mỹ cho đến khi tình hình được làm rõ.

Ireland, quốc gia có gần 1/3 hàng xuất khẩu sang Mỹ, kêu gọi phản ứng “cân nhắc và có chừng mực”, trong khi Italy - nước xuất khẩu lớn thứ ba của EU sang Mỹ - đặt câu hỏi liệu EU có nên phản ứng trả đũa hay không.

“Rất khó để tạo sự cân bằng. Các biện pháp không thể quá nhẹ để Mỹ coi thường, nhưng cũng không thể quá mạnh để dẫn đến leo thang căng thẳng”, một nhà ngoại giao EU nhận định.

Các cuộc đàm phán với Washington cho đến nay vẫn chưa mang lại kết quả. Ủy viên thương mại EU Maros Sefcovic mô tả cuộc trao đổi kéo dài hai giờ với các đối tác Mỹ vào hôm 4/4 là "thẳng thắn", trong đó ông nói với phía Mỹ rằng thuế quan là "gây hại và không chính đáng".

EU sẽ biểu quyết về các mức thuế phản công ban đầu vào ngày 9/4. Chính sách này sẽ được thông qua trừ khi có ít nhất 15 nước thành viên đại diện cho 65% dân số EU phản đối - điều rất khó xảy ra.

Các biện pháp này sẽ được triển khai theo 2 giai đoạn: Một phần nhỏ từ ngày 15/4 và phần còn lại một tháng sau đó.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng sẽ có những cuộc thảo luận riêng vào ngày 7 và 8/4 với các giám đốc điều hành hàng đầu trong ngành thép, ôtô và dược phẩm để đánh giá tác động của thuế và quyết định các bước tiếp theo.

Theo Znews