Hachix – 1 startup về phần mềm được
thành lập tháng 7/2017 tại Nagoya, tỉnh Aichi Nhật bản với số vốn ban đầu khoảng
43.600 USD. Công ty do Nguyễn Công Thành và 2 đồng sáng lập người Việt khác cùng
góp vốn, phần còn lại đến từ một doanh nhân mà họ quen biết. Hoạt động của
Hachix là phát triển hệ thống AI và phân tích dữ liệu cho các nhà bán lẻ, cơ sở
sản xuất và doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT).
Các sản phẩm của Hachix gồm phần
mềm dự đoán và phân tích doanh số bán hàng, hệ thống cảm biến Internet of
Things giám sát dây chuyền sản xuất. Dữ liệu từ các cảm biến được sử dụng để tối
ưu việc bố trí công nhân nhà máy.
Những hợp đồng của Hachix trị giá
khoảng 9.000-23.000 USD, đa phần đến từ các doanh nghiệp với 50-100 nhân công.
Do nhiều công ty vừa và nhỏ tại Nhật vẫn chưa “tin học hóa” hệ thống sản xuất của
họ, Hachix cho rằng tiềm năng phát triển là rất lớn.
Đơn hàng đầu tiên của Hachix là hệ
thống bán vé ăn tự động cho một cơ sở quản lý nhà hàng Việt. Hachix đã tạo ra ứng
dụng trên tablet để xử lý và thanh toán đơn hàng. Trong bối cảnh thị trường đầy
cạnh tranh, Hachix biết rằng chỉ có thể giành đơn hàng từ những cơ sở mới. Ngay
cả Thành cũng thừa nhận năm đầu tiên của công ty diễn ra “thật khủng khiếp”.
Khoảng thời gian chật vật khiến
Hachix chuyển mục tiêu sang các nhà sản xuất, cung cấp sản phẩm CNTT. Tính đến
tháng 6/2018, doanh thu của Hachix đạt khoảng 28.300 USD. Năm 2019, con số trên
là hơn 150.000 USD. Dù đại dịch Covid-19 khiến tốc độ tăng trưởng của Hachix giảm,
công ty vẫn kỳ vọng doanh số năm 2021 sẽ tăng 50%.
Nắm bắt Cơ hội tại một Thị
trường công nghệ tiềm năng
“Chúng tôi muốn cung cấp hệ thống
dễ sử dụng với các công ty vừa và nhỏ”, Nguyễn Công Thành, Chủ tịch Hachix chia
sẻ bằng tiếng Nhật với Nikkei. “Chúng tôi muốn đáp ứng nhu cầu khách hàng (với
chi phí) càng rẻ càng tốt”, Thành cho biết Hachix sử dụng phần mềm miễn phí, cảm
biến đa năng và một số thiết bị để tiết kiệm chi phí phát triển hệ thống.
Theo Tổ chức Doanh nghiệp vừa-nhỏ
và Đổi mới Nhật Bản, người nước ngoài hiếm khi thành lập doanh nghiệp CNTT
trong và lân cận Nagoya. Yutaka Matsuyama, quản lý tổ chức Nagoya Life Science
Incubator cho rằng Hachix cần cải thiện chất lượng dịch vụ bảo trì, tích lũy
kinh nghiệm bằng việc giành các hợp đồng lớn.
Chính sách thị thực lao động thường
cản trở mong muốn kinh doanh tại Nhật của người nước ngoài. Đã có trường hợp
người nước ngoài cạn vốn trong khi chờ cấp thị thực. Tuy nhiên, một số chương
trình của chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khởi nghiệp nước
ngoài tại Nhật Bản.
Chính quyền địa phương đang khuyến
khích người nước ngoài thành lập doanh nghiệp CNTT vì ưu tiên phục hồi các
ngành công nghiệp trong nước. Quốc gia này vẫn hấp dẫn các nhà khởi nghiệp vì
an ninh công cộng, các tiêu chuẩn được duy trì trong suốt đại dịch.
Nuôi ý tưởng khởi nghiệp nhờ
TV Sony, xe Honda và từng đi rửa bát thuê
Công Thành cho biết đã nghĩ đến
khởi nghiệp từ khi học cấp 2, nhờ sự yêu thích với các thương hiệu Nhật như TV
Sony, xe máy Honda. Dù thi đỗ trường đại học Việt Nam và bị gia đình phản đối,
Thành vẫn sang Nhật để hiện thực hóa ước mơ.
Ngoài việc học tiếng Nhật tại
Hiroshima, Thành từng làm rửa bát thuê cho một khách sạn và nhiều công việc
khác để kiếm tiền. Năm 2005, Thành vào Đại học Osaka, tốt nghiệp thạc sĩ ngành
mạng máy tính.
Sau khi tốt nghiệp, Thành gia nhập
Brother Industries, nhà sản xuất thiết bị điện và điện tử có trụ sở tại Nagoya,
phát triển phần mềm cho dòng sản phẩm máy photocopy trong 6 năm. Sau khi rời
Brother, Thành bắt tay thành lập doanh nghiệp của riêng mình, bên cạnh tham gia
các hội thảo về khởi nghiệp.
“Thật may mắn nếu có một trong 100 người đồng ý thảo luận về chuyện kinh doanh của chúng tôi”, Thành cho biết hầu hết email mời hợp tác của anh không được phản hồi.
Nguyễn Công Thành và các nhân viên tại công ty khởi nghiệp Hachix
Hachix hiện có 8 nhân viên toàn
thời gian và bán thời gian, tất cả là người Việt Nam hiểu biết trong lĩnh vực
AI và mạng nhúng (embedded network). “Có được nhiều chuyên gia giúp chúng tôi
nhanh chóng phát triển, cung cấp các hệ thống với chi phí thấp”, Thành cho biết
công ty đang lên kế hoạch thuê nhân viên người Nhật, mở chi nhánh tại Hà Nội và
Đà Nẵng.
Trong tương lai, Hachix đang cân nhắc phát triển các sản phẩm y tế, chẳng hạn như công nghệ nhận diện khuôn mặt liên kết với phần mềm đo nhiệt độ cơ thể và tã giấy. “Chúng tôi muốn giúp đỡ người lớn tuổi và người thân của họ tại Việt Nam”, Thành chia sẻ.