Bộ Công thương đang trình Chính phủ dự thảo về dự trữ xăng dầu quốc gia với hướng xử lý mới cho bài toán chi phí, lỗ lãi khiến doanh nghiệp đau đầu bấy lâu.
Dự thảo
nghị định xăng dầu mới đây tiếp tục giữ đề xuất, thương nhân đầu mối kinh doanh
xăng dầu phải duy trì dự trữ lưu thông xăng dầu tối thiểu bằng 20 ngày cung ứng,
tính theo sản lượng tiêu thụ nội địa bình quân của thương nhân trong một ngày của
năm trước liền kề, theo từng chủng loại xăng, dầu.
Dự trữ lưu
thông là điều kiện bắt buộc
Đề xuất
này được đưa ra mổ xẻ trong bối cảnh giá xăng, dầu thời gian qua liên tục lao dốc
khiến doanh nghiệp đầu mối lỗ nặng.
Tập đoàn
Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) – đơn vị chiếm hơn 50% thị phần xăng dầu toàn quốc
cho hay, việc duy trì dự trữ lưu thông xăng dầu tối thiểu bằng 20 ngày khiến họ
tồn kho lượng lớn xăng dầu.
Ngoài ra,
hằng năm Bộ Công thương giao chỉ tiêu tổng nguồn tối thiểu, điều hành giá trong
phạm vi 7 ngày… Vì vậy, với biến động giá dầu giảm sâu chỉ trong 3-5 ngày lên tới
20%, khiến lượng hàng tồn kho của Petrolimex theo quy định dao động lên tới
700.000 - 750.000m3, đã tác động ghê gớm đến hoạt động kinh doanh của tập đoàn.
Ông Năm dẫn
chứng phiên điều hành ngày 10/4, doanh thu của tập đoàn "bay" 1.000 tỷ
đồng.
Một doanh
nghiệp đầu mối khác cũng cho rằng, mức dự trữ này cần được tính toán lại. Nhà
nước cần chủ động xây kho dự trữ xăng dầu riêng của quốc gia cho các tình huống
khẩn cấp, thay vì gắn vai trò cho thương nhân đầu mối.
Trao đổi với
PV, bà Nguyễn Thuý Hiền, Phó cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường
trong nước cho rằng, quy định này duy trì nhiều năm nay và đây là điều kiện bắt
buộc với thương nhân đầu mối - đối tượng tạo nguồn.
Bà nhấn mạnh,
giá có lúc lên, lúc xuống, không phải năm nay mới diễn biến như vậy. Lúc lên bù
cho lúc xuống, đó là quy luật doanh nghiệp phải chấp nhận.
Bà Hiền
cũng cho biết, tại Nhật Bản, yêu cầu dự trữ lưu thông xăng, dầu phải đảm bảo 70
ngày.
"Nhật
Bản không đưa ra yêu cầu gì, mà doanh nghiệp nào muốn tham gia làm đầu mối để cấp
nguồn xăng dầu thì phải dự trữ đủ 70 ngày. Điều này để đảm bảo an ninh năng lượng",
bà Hiền nói.
Doanh nghiệp
xây kho, Nhà nước sẽ thuê lại
Lãnh đạo Cục
Quản lý và Phát triển thị trường trong nước cũng cho biết, ngoài dự trữ lưu
thông, còn có dự trữ xăng dầu quốc gia.
Dự trữ
xăng dầu quốc gia được để chung tại kho dự trữ, bảo quản của doanh nghiệp đầu mối
là Petrolimex, PV Oil, và một doanh nghiệp đầu mối ở Đồng Tháp, theo dạng nhà
nước chi trả chi phí kho khoảng 14 đồng/lít.
Hiện mức dự trữ xăng dầu quốc gia chỉ đáp ứng được 7 ngày. Việc xây dựng
kho riêng là để nâng lượng dự trữ. Ảnh: Hồng Hạnh.
Tuy nhiên,
theo bà Hiền, chi phí này nhiều năm không tăng. Doanh nghiệp cũng kêu nhiều, Bộ
Công thương đã nhiều lần phản ánh tới Bộ Tài chính nhưng vẫn chưa điều chỉnh.
Vì thế, doanh nghiệp không mặn mà.
Vậy, vì
sao không xây kho riêng để dự trữ xăng dầu quốc gia?, bà Hiền khẳng định
"không hiệu qủa". Bộ Công thương đã nghiên cứu và xin ý kiến các bên
liên quan, tuy nhiên, xây kho riêng sẽ phát sinh thêm bộ máy vận hành. Hơn nữa,
hàng không lưu thông được mà giữ ở kho sẽ có nhiều vấn đề phát sinh.
"Xăng,
dầu phải đảo thường xuyên để đảm bảo chất lượng, nhưng mỗi lần bán ra mua vào
phải đấu thầu, mất nhiều chi phí, thời gian", bà Hiền phân tích và dẫn chứng,
trước đây đã có kho dự trữ xăng dầu quốc gia riêng là H84 ở Đà Nẵng. Nhưng
không hiệu quả nên đưa về doanh nghiệp quản lý.
Vì thế, Bộ
Công thương đang trình Chính phủ dự thảo về dự trữ xăng dầu quốc gia tại kho
riêng theo hướng, cho doanh nghiệp xây kho, Nhà nước sẽ thuê lại và chi trả phí
hợp lý cho doanh nghiệp vận hành.
Luật Dự trữ
quốc gia quy định, tất cả dự trữ quốc gia phải để kho riêng do nhà nước quản
lý, tuy nhiên xăng dầu có đặc thù nhất định. Do đó, luật này cũng đang được sửa
theo hướng đề xuất để doanh nghiệp vận hành…
BXD