Các chuyên
gia y tế cho rằng, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của thuốc lá thế hệ mới không
thua kém gì so với các loại thuốc lá điếu truyền thống.
Người trẻ sử dụng thuốc lá có xu hướng gia tăng
Theo Tổ chức
Y tế thế giới (WHO), thuốc lá nung nóng tạo ra chất khí độc hại, có nhiều chất
độc giống như trong khói thuốc lá điếu thông thường. Dù được nung ở nhiệt độ thấp
hơn nhưng vẫn tạo ra những hóa chất tương tự trong khói thuốc lá thông thường,
như: Acrolein (gây kích ứng đường hô hấp mạnh), glycidol, formaldehyde và
acetaldehyde (gây ung thư), carbon monoxide, hydrocarbon thơm đa vòng và các
kim loại (nhôm, titan, stronti, molypden, thiếc và antimon).
Tại Việt
Nam, một bộ phận giới trẻ tại các đô thị có xu hướng gia tăng sử dụng thuốc lá
thế hệ mới.
PGS.TS
Lương Ngọc Khuê - Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá cho biết, thuốc
lá điện tử, thuốc lá nung nóng là các sản phẩm mới xuất hiện trôi nổi tại Việt
Nam trong gần 10 năm trở lại đây. Các loại thuốc lá này có sử dụng nhiều hương
liệu, nguyên liệu, hóa chất khác nhau. Thông qua việc phối trộn, người sử dụng
có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện
khác để sử dụng mà khó bị phát hiện.
Vì vậy,
thuốc lá mới sẽ đe dọa những thành quả bước đầu trong công cuộc phòng chống tác
hại thuốc lá tại Việt Nam - một vấn đề đã và đang gây gánh nặng lớn về sức khỏe,
kinh tế và cần nhiều thời gian, nguồn lực để giải quyết.
Xu hướng
gia tăng trẻ em sử dụng thuốc lá thế hệ mới còn xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới.
Theo Tổ chức
Y tế thế giới, có mối liên quan rõ ràng giữa việc gia tăng tỷ lệ sử dụng các sản
phẩm thuốc lá trong giới trẻ với việc tiếp cận giới trẻ thông qua quảng cáo,
khuyến mại, tiếp thị thuốc lá, đặc biệt trên các nền tảng kỹ thuật số.
Ước tính
thế giới có khoảng 19 triệu thanh thiếu niên từ 13–15 tuổi (13 triệu bé trai và
6 triệu bé gái) đang hút thuốc lá, trong đó có khoảng 5 triệu thanh thiếu niên
hút thuốc lá sống tại khu vực Đông Nam Á. Khảo sát ở các quốc gia đều cho thấy,
trẻ em từ 13-15 tuổi có tỷ lệ đang sử dụng các sản phẩm thuốc lá cao, đặc biệt
là các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Bảo vệ trẻ trước tác động của ngành công nghiệp thuốc lá
Nhận thấy
vấn đề trẻ em hút thuốc lá gia tăng, WHO đã quyết định chọn chủ đề “Bảo vệ trẻ
em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá” cho Ngày Thế giới không
thuốc lá 31/5/2024.
Tại Việt
Nam, Bộ Y tế cũng đã có văn bản yêu cầu các địa phương về việc tổ chức hoạt động
hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5, Tuần lễ quốc gia không thuốc lá từ
ngày 25 - 31/5/2024 và tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc
lá.
Thứ trưởng
Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, nhờ có nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống
tác hại thuốc lá, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong nam giới trưởng
thành giảm trung bình 0,5% mỗi năm (từ 47,4% năm 2010 xuống còn 38,9% năm
2023); tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên giảm, trong đó, ở nhóm 13-15 tuổi giảm
từ 2,5% năm 2014 xuống còn 1,9% năm 2022.
Tuy nhiên,
theo Bộ Y tế, những thành tựu này có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng nhanh
chóng tỷ lệ sử dụng các sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung
nóng, đặc biệt là trong giới trẻ. Cụ thể, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong
học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Ở nhóm
13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023.
Bộ Y tế
cũng cho biết, trong thời gian qua đã có hơn 1.200 ca nhập viện do sử dụng thuốc
lá điện tử. Theo báo cáo kết quả sơ bộ nghiên cứu thực trạng sử dụng thuốc lá
điện tử, thuốc lá nung nóng trong học sinh tại 11 tỉnh, thành phố năm 2023, tỷ
lệ học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử là 7%.
Còn theo
Báo cáo Khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam của WHO và Điều
tra về sử dụng thuốc lá mới ở nhóm học sinh THCS và THPT ở 11 tỉnh/thành, tỷ lệ
sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019
lên 8,1% năm 2023.
Tổ chức Y
tế Thế giới nhấn mạnh Ngày Thế giới không thuốc lá năm 2024 là diễn đàn để giới
trẻ trên toàn thế giới yêu cầu ngành công nghiệp thuốc lá ngừng việc nhắm tới
trẻ em, thanh thiếu niên bằng những sản phẩm có hại cho sức khỏe. Đồng thời kêu
gọi chính phủ các nước thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá mạnh
mẽ, bảo vệ các em khỏi tác động của việc quảng cáo thuốc lá, bao gồm cả việc tiếp
thị qua mạng xã hội và các nền tảng kỹ thuật số.
Trước đó, ngày 13/5, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Công điện số 47/CĐ-TTg ngày 13/5/2024 về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Thủ tướng
yêu cầu Bộ Y tế thông tin, giáo dục, truyền thông về tác hại của thuốc lá điện
tử, thuốc lá nung nóng; nghiên cứu, đề xuất, ban hành giải pháp quản lý thuốc
lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Bộ Tài
chính chỉ đạo lực lượng hải quan kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển
thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhập lậu qua cửa khẩu, khu vực địa bàn kiểm
soát của hải quan, xác lập các chuyên án đấu tranh đối với các đường dây, ổ
nhóm buôn lậu thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Bộ Quốc
phòng chỉ đạo bộ đội biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát ở khu vực biên
giới, các đường mòn, lối mở, để kịp thời phát hiện và xử lý các đối tượng buôn
lậu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhập lậu.
Bộ Công an
chỉ đạo lực lượng công an các cấp tăng cường công tác điều tra, nắm tình hình,
xác lập các chuyên án, tập trung đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm,
các đối tượng đầu nậu, buôn bán, pha trộn các chất cấm vào dung dịch thuốc lá
điện tử để khởi tố, truy tố trước pháp luật.
Bộ Công
Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường quản lý thị trường nội địa,
thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán tàng trữ, vận
chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhập lậu.
Hiện các
nhà sản xuất đã và đang sử dụng nhiều cách thức khác nhau để thu hút thanh thiếu
niên sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng thông qua hương vị hấp dẫn,
thiết kế sản phẩm bắt mắt, thời trang, theo xu hướng công nghệ, bán hàng qua mạng,
tài trợ cho người nổi tiếng...
Theo Bộ
trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, đây là những sản phẩm gây nghiện và có hại cho sức
khỏe, nếu không kịp thời ngăn chặn thì trong tương lai gần, các tổn thất về sức
khỏe và kinh tế do việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới gây ra cũng nghiêm trọng
không kém các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường.
BĐĐK