Theo khảo sát của Savills Việt Nam về các giao dịch thuê văn phòng tại TP.HCM trong quý III-2024, phần lớn các giao dịch chiếm 73% nhằm mục đích di dời đến các tòa nhà có chất lượng tốt hơn.

Ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và bất động sản dẫn đầu với 39% thị phần giao dịch thuê văn phòng. Tiếp theo là ngành công nghệ thông tin, truyền thông với 31% và sản xuất với 13%.

Đáng chú ý, khách thuê văn phòng chủ yếu là các công ty nước ngoài chiếm một tỉ lệ rất lớn lên đến 75%, chủ yếu từ các công ty Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong khi các công ty trong nước chỉ chiếm 25% lượng khách thuê văn phòng.

Chứng nhận xanh đang là mối quan tâm của các dự án cho thuê văn phòng cao cấp tại TP.HCM khi 63% nguồn cung Hạng A (cao cấp) và B (trung cấp) sắp khai trương sẽ tập trung đáp ứng các tiêu chuẩn này để đáp ứng cho các khách thuê lớn nước ngoài.

Theo ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 3 quý đầu năm 2024 tại Việt Nam tập trung vào các địa phương có lợi thế về hạ tầng, nhân lực, thủ tục hành chính và năng động trong hoạt động xúc tiến đầu tư như Bắc Ninh, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Hà Nội…

Các nhà đầu tư nổi bật đến từ châu Á như Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Mặc dù không có nhiều khoản đầu tư vào lĩnh vực bất động sản trong 9 tháng, chuyên gia Savills đánh giá việc vốn FDI tập trung vào sản xuất công nghệ cao là một tín hiệu đáng mừng.

Ông Troy nhận định chính sự khởi sắc của dòng vốn FDI đã giúp phân khúc cho thuê văn phòng ở các thành phố lớn như TP.HCM được thúc đẩy tích cực nhờ xu hướng này.

PLO