Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) mới đây đã công bố sản lượng sản xuất và bán hàng thép trong tháng 10. Theo đó, sản lượng đạt mức 1,92 triệu tấn, giảm 15% theo tháng và giảm 27,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Chứng khoán Kis cho rằng có sự suy giảm ở sản lượng thép xây dựng và ống thép.

Tổng sản lượng tiêu thụ giảm nhẹ 3,5% so với tháng trước về mức 1,76 triệu tấn, giảm 28,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng sản lượng tiêu thụ nội địa có sự giảm sút, ở mức 1,32 triệu tấn tương ứng giảm 26,4% so với năm ngoái.

Sản lượng xuất khẩu ở mức 444,086 tấn, giảm 34,1% so với năm ngoái nhưng tăng 51% so với tháng trước nhờ sản lượng xuất khẩu thép cuộn tăng đột biến 186,374 tấn, tăng 81,3% so với năm ngoái và tăng 193% so với tháng trước.


Lượng tồn kho thép tính đến cuối tháng 10 là 1,45 triệu tấn, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Diễn biến giá nguyên liệu đầu vào trong vòng 30 ngày qua cho thấy, tính đến ngày 16/11, giá quặng sắt ở mức 89USD/tấn (-8USD/tấn), thép cuộn cán nóng (HRC) giảm xuống 545USD/tấn (-21USD/tấn), than luyện cốc tăng lên mức giá 312 USD/tấn (+29USD/tấn).

Căn cứ vào giá niêm yết của thép thanh Hòa Phát trong tháng 10, giá thép thành phẩm nội địa ở mức 15.09 triệu đồng/tấn.

Tính chung, Việt Nam đã sản xuất 23,47 triệu tấn trong 10 tháng 2022, giảm 8,4% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng bán ra ở mức 21,3 triệu tấn, giảm 5,6%. Nỗi sợ dư thừa cung ở Trung Quốc phần nào đó được xoa dịu nhờ các chính sách hỗ trợ ngành bất động sản từ Chính phủ.

Theo nhận định từ chuyên viên phân tích công ty Chứng khoán Kis, kỳ vọng vấn đề sẽ được giải quyết nhờ sự trở lại thị trường bất động sản của người mua sau khi các chính sách đã cải thiện tâm lý người tiêu dùng. Trên cơ sở đó, công ty chứng khoán này đánh giá trung lập đối với ngành thép của Việt Nam do triển vọng tăng trưởng không thật sự tốt, điều này có thể tiếp tục làm tắc nghẽn doanh số kinh doanh của thị trường trong những tháng tới. Hơn nữa, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm hơn có thể đe dọa hoạt động xuất khẩu.

Trong báo cáo cập nhật triển vọng doanh nghiệp ngành thép mới đây, công ty chứng khoán SSI cũng đánh giá trung lập về nhóm này. Tuy nhiên, dự báo lợi nhuận sẽ cải thiện đáng kể trong năm 2023.

Theo đó, SSI Research dự báo kết quả kinh doanh của 3 ông lơn ngành thép Việt Nam lần lượt như sau:

Thép Hòa Phát: điều chỉnh giảm 16% ước tính lợi nhuận sau thuế năm 2022 của Hòa Phát xuống 10,2 nghìn tỷ đồng, tương ứng với khoản lỗ ròng 270 tỷ đồng trong quý 4/2022. Trong năm 2023, điều chỉnh giảm 14% ước tính lợi nhuận ròng xuống 10,88 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 6,6% so với cùng kỳ nhờ khoản lỗ chênh lệch tỷ giá và giá than cốc giảm.

Thép Nam Kim:  ước tính mức doanh thu đạt 21,9 nghìn tỷ đồng giảm 22,2% so với cùng kỳ vào năm 2022 và 15 nghìn tỷ đồng giảm 31,3% so với cùng kỳ vào năm 2023. Lợi nhuận ròng của công ty dự kiến giảm xuống mức thấp là 8 tỷ đồng giảm 99,6% so với cùng kỳ vào năm 2022 và phục hồi lên 126 tỷ đồng vào năm 2023.

Tôn Hoa Sen: ước doanh thu giảm 44% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận ròng trong năm 2023 dự kiến sẽ phục hồi 65% so với cùng kỳ lên 415 tỷ đồng.