Việc sử dụng xe đạp công cộng được
đánh giá là thuận tiện, dễ dàng, mang lại nhiều lợi ích cho người dân, góp phần
giảm ùn tắc giao thông, hạn chế ô nhiễm môi trường, hỗ trợ cho các loại hình giao
thông công cộng khác.
Tháng 12-2021, dịch vụ xe đạp
công cộng đô thị đã bắt đầu được triển khai tại TP Hồ Chí Minh với 500 phương
tiện và 43 điểm trạm để nhận, trả xe. Các điểm này được bố trí gần trạm dừng,
nhà chờ xe buýt, công viên... với khoảng cách giữa các điểm 200-500m nhằm tạo
thuận lợi cho người dân trong quá trình sử dụng, dễ dàng tiếp cận. Người tham
gia giao thông có thể di chuyển từ điểm dịch vụ xe đạp công cộng bất kỳ, sau đó
gửi trả lại xe tại một điểm khác. Thủ tục và cách thức nhận, trả xe nhanh chóng
thông qua ứng dụng trên điện thoại di động. Theo thống kê, sau 3 tháng vận
hành, đã có gần 110.000 người tham gia ứng dụng này.
Tại Hà Nội, mới đây, Sở Giao
thông vận tải TP Hà Nội đã kiến nghị UBND TP Hà Nội cho phép thí điểm triển
khai dịch vụ xe đạp công cộng trong 12 tháng tại một số quận trung tâm và các
nhà ga dọc tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, trụ sở Khu liên cơ quan
thành phố. Theo đó, trong giai đoạn 1 (2022-2023) sẽ triển khai ở các quận:
Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Ba Đình, Đống Đa và Thanh Xuân với 85 điểm trạm
và 1.000 xe. Trong đó, sẽ có 500 xe đạp thường và 500 xe đạp điện. Giai đoạn 2
(từ năm 2023) có thể mở rộng thành 3.000 xe. Giá thuê xe là 5.000 đồng/30 phút
và 10.000 đồng/giờ.
Theo Sở Giao thông vận tải TP Hà
Nội, xe đạp đô thị sẽ hỗ trợ các loại hình vận tải hành khách công cộng khác, từng
bước thay đổi thói quen đi lại của người dân, giảm ô nhiễm môi trường. Tuy
nhiên, trên thực tế, tại Hà Nội đã từng triển khai dịch vụ cho thuê xe đạp, phục
vụ chủ yếu khu vực quận Hai Bà Trưng, hướng đến đối tượng là sinh viên các trường
đại học. Do phạm vi hoạt động còn hạn chế nên hình thức này chưa phát huy được
hiệu quả, không duy trì được lâu. Vì vậy, để xe đạp đô thị được phổ biến rộng
rãi, cần nghiên cứu, đánh giá toàn diện về nhu cầu, phạm vi sử dụng, vị trí đặt
điểm trạm, thời gian hoạt động với các nhóm đối tượng khác nhau.
Bên cạnh đó, trong môi trường
giao thông hỗn hợp tại các đô thị ở Việt Nam hiện nay, người tham gia giao
thông bằng xe đạp cùng sử dụng chung lòng đường với các loại phương tiện cơ giới
khác, tiềm ẩn nguy cơ va chạm. Để tạo môi trường thân thiện cho người đi xe đạp,
cần hướng đến bố trí làn đường riêng và các biện pháp hỗ trợ khác để bảo đảm an
toàn. Các điểm đỗ xe, vị trí đặt trạm của xe đạp đô thị cần kết nối thuận tiện
với các phương tiện giao thông công cộng khác, giúp tăng thêm tiện ích cho hệ
thống vận tải hành khách. Đồng thời, cần mở rộng thu hút nguồn lực đầu tư, nhất
là đẩy mạnh xã hội hóa để tăng hơn nữa số lượng phương tiện, quy mô điểm trạm,
đưa xe đạp đô thị đến gần hơn với người dân.
Mạnh Hưng - BQĐND