Hàn Quốc đã trở thành ông “vua” toàn cầu về các cửa hàng tiện lợi, cả trực tuyến và ngoại tuyến với những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội và khách du lịch cùng người dân địa phương đổ xô đến một số lượng lớn các cửa hàng đang phát triển nhanh chóng trên khắp cả nước.

Chia sẻ với hãng tin CNN, ông Chang Woo-cheol, giáo sư ngành du lịch và dịch vụ thực phẩm tại Đại học Kwangwoon ở Seoul, cho biết: "Ngành cửa hàng tiện lợi ở Hàn Quốc nổi bật nhờ mật độ đáng chú ý và các chiến lược sáng tạo. Họ đã trở thành kênh bán lẻ thiết yếu, chiếm thị phần lớn thứ hai trong doanh số bán lẻ ngoại tuyến trên cả nước”.

Khác xa với những nơi như Hoa Kỳ, các cửa hàng tiện lợi thường được gắn liền với các trạm xăng hoặc trung tâm thương mại và hiếm khi xuất hiện ở các khu dân cư, một phần là do luật phân vùng. Ở các thành phố lớn của Hàn Quốc như Seoul, các cửa hàng tiện lợi có mặt ở mọi góc phố, đôi khi có nhiều cửa hàng từ các công ty cạnh tranh nằm rải rác trên cùng một con phố.

Các cửa hàng tiện lợi mở cửa 24 giờ mỗi ngày và đóng vai trò thiết yếu trong cuộc sống vốn bận rộn của chúng ta”, ông Chang nói thêm, ông gọi ngành công nghiệp cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc là “câu chuyện thành công toàn cầu”.


Không như các quốc gia khác trên toàn cầu, ở Hàn Quốc cửa hàng tiện lợi trở nên khác biệt. Tại đây, một cửa hàng có thể cung cấp mọi thứ từ thực phẩm, đồ uống đến hàng gia dụng. Có rất nhiều loại từ súp miso ăn liền đến mì cốc với đủ mọi hương vị, đồ ăn nhẹ như kimbap và onigiri, và các suất ăn chế biến sẵn. Kết hợp với khu vực chỗ ngồi trong cửa hàng, lò vi sóng và máy nước nóng, những cửa hàng này đã trở thành điểm đến lý tưởng cho nhân viên văn phòng muốn ăn trưa nhanh, những người dự tiệc cần nạp năng lượng vào đêm khuya và sinh viên cần nạp năng lượng trước những lớp học căng thẳng ở trường.

Ngoài ra còn có nhiều tiện ích khác như: nạp tiền, ăn uống rút tiền mặt, đặt hàng trực tuyến và nhận hàng, một số địa điểm nhất định còn có sạc xe điện, đổi ngoại tệ và gửi thư quốc tế,... đó cũng là một lý do thu hút người tiêu dùng.

Giáo sư Chang, cho biết nhu cầu đã tăng vọt khi tốc độ đô thị hoá ở Hàn Quốc tăng nhanh trong những năm qua. Hơn 80% dân số hiện sống ở các trung tâm đô thị, nhiều cư dân rời khỏi vùng nông thôn để định cư ở các thành phố có nhịp độ nhanh hơn.

Một yếu tố khác, theo các chuyên gia, ngày càng ít người Hàn Quốc kết hôn hoặc lập gia đình, đồng nghĩa với việc có nhiều hộ gia đình đơn thân, và thường có ngân sách eo hẹp hơn, do nhiều người trẻ tuổi đang phải đối mặt với khó khăn kinh tế.

Theo một báo cáo được McKinsey công bố hồi tháng 3 năm ngoái, tính đến năm 2021, khoảng 35% hộ gia đình Hàn Quốc là cư dân độc thân. Không giống như các cặp đôi hoặc gia đình đông người, những người có thể thích nấu ăn ở nhà và mua số lượng lớn từ các cửa hàng tạp hóa, cư dân độc thân hướng đến lựa chọn rẻ tiền, dễ dàng là các cửa hàng tiện lợi hoặc đặt hàng trực tuyến.

Báo cáo của McKinsey, cho biết thêm rằng đại dịch Covid-19 đã góp phần vào xu hướng này khi mọi người thích đặt hàng trực tuyến hoặc mua hàng nhanh chóng từ các cửa hàng gần nhà. Các nhà bán lẻ đã tận dụng nhu cầu vốn rất cao này bằng cách mở cửa hàng tiện lợi có chiến lược bên trong các địa điểm kinh doanh hoặc không gian giải trí hiện có khác. Chẳng hạn, ở Seoul có các cửa hàng tiện lợi trong các quán karaoke và trung tâm nghệ thuật của thành phố.

Tất cả những điều này đã chuyển thành nguồn lợi nhuận khổng lồ. Theo McKinsey, trích dẫn công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor có trụ sở tại London, từ năm 2010 đến năm 2021, doanh thu của cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc đã tăng vọt hơn bốn lần từ 5,8 tỷ USD lên 24,7 tỷ USD, vượt qua các siêu thị và cửa hàng bách hóa truyền thống.