Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, sản lượng nhập khẩu  lúa  mì của Việt Nam tăng 35% trong 11 tháng đầu năm, lên hơn 5,3 triệu tấn. Kim ngạch này giúp Việt Nam đứng trong top 10 nước nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới.

Lúa mì được nhập về chủ yếu được sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế biến thực phẩm. Giá trị nhập khẩu tới cuối tháng 11 cũng tăng trên 8%, đạt 1,4 tỷ USD.

Năm ngoái, 5,5 triệu tấn lúa mì được nhập về Việt Nam, trị giá 1,9 tỷ USD.

Theo Hiệp hội chăn nuôi, Việt Nam không sản xuất lúa mì, vì vậy nguồn cung phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu. Năm nay, giá lúa mì nhập khẩu bình quân đạt 275 USD một tấn, giảm gần 20% so với cùng kỳ 2023, nên các doanh nghiệp tận dụng cơ hội giá rẻ để tăng lượng nhập.

Sản lượng thị trường toàn cầu hiện khoảng 770 triệu tấn mỗi năm, trị giá hơn 200 tỷ USD. Các quốc gia xuất khẩu  chính bao gồm Nga, Mỹ, Canada và Ukraine.

Trước xung đột năm 2022, Ukraine gieo trồng 6 triệu ha lúa mì vụ đông, nhưng dù chịu thiệt hại, sản lượng năm nay vẫn đạt 22 triệu tấn. Mức này gần ngưỡng trung bình 25-28 triệu tấn trước xung đột. Lúa mì vụ đông chiếm 95% sản lượng hàng năm của Ukraine.

Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo lượng lúa mì tồn kho toàn cầu sẽ thấp nhất trong 9 năm, đạt hơn 257 triệu tấn vào cuối kỳ 2024-2025, trong khi sản lượng của EU có thể giảm xuống mức thấp nhất 12 năm.

VNB