Theo Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thước đo chính về lạm phát của Trung Quốc, trong tháng 10/2023 đã giảm 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này cho thấy tình trạng giảm phát quay trở lại, sau khi CPI phục hồi nhẹ trong tháng Chín và tháng Tám năm nay, từ mức giảm 0,3% trong tháng Bảy.

Các số liệu trên được đưa ra sau khi các số liệu hồi đầu tuần cho thấy nhập khẩu của Trung Quốc tăng vọt, làm dấy lên hy vọng rằng lực lượng người tiêu dùng khổng lồ của Trung Quốc đang bắt đầu hoạt động tích cực hơn.

Quan chức NBS Dong Lijuan cho biết, sự sụt giảm CPI có liên quan đến việc nhu cầu tiêu dùng giảm sau kỳ nghỉ lễ Trung Thu, cũng như các yếu tố khác bao gồm nguồn cung nông sản tăng cao giúp giảm giá các mặt hàng này. Giảm phát đồng nghĩa với việc giá hàng hóa rẻ hơn, nhưng lại gây ra mối đe dọa cho nền kinh tế nói chung khi người tiêu dùng có xu hướng trì hoãn mua hàng với hy vọng giá giảm thêm.

Việc nhu cầu suy yếu có thể buộc các công ty phải cắt giảm hoạt động sản xuất, ngừng tuyển dụng hoặc sa thải công nhân và đưa ra các đợt giảm giá mới để bán hết hàng tồn kho. Những động thái này sẽ làm giảm lợi nhuận ngay cả khi chi phí sản xuất vẫn giữ nguyên.

Giá thực phẩm, thuốc lá và rượu tại Trung Quốc ghi nhận mức giảm lớn nhất trong tháng 10. Giá thịt lợn đã giảm 30,1%.

Trung Quốc đã trải qua thời kỳ giảm phát ngắn vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021, phần lớn là do giá thịt lợn, loại thịt được tiêu thụ rộng rãi nhất ở nước này, giảm mạnh. Trước đó, thời kỳ giảm phát gần đây nhất tại Trung Quốc là vào năm 2009.

NBS cũng cho biết chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc đang chứng kiến tháng suy giảm thứ 13 liên tiếp, giảm 2,6%, so với dự báo giảm 2,7% trong khảo sát của Bloomberg.

Nhà kinh tế trưởng Zhiwei Zhangtại Pinpoint Asset Management cho biết Chính phủ Trung Quốc công bố một loạt biện pháp, đặc biệt nhắm vào lĩnh vực bất động sản, đồng thời công bố kế hoạch chi tiêu khổng lồ cho cơ sở hạ tầng để vực dậy nền kinh tế.

Theo TTXVN