Bộ Công Thương cho biết đã có quyết định
thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu với Công
ty CP Thương mại nhiên liệu Cửu Long ở quận 1, TPHCM và Công ty TNHH Đầu tư
phát triển xăng dầu Việt Nhật ở Ninh Bình.
Việc thu hồi giấy phép của 2 doanh nghiệp
này gây chú ý do Công ty CP Thương mại nhiên liệu Cửu Long mới được cấp giấy
xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu đầu tháng 4/2021 còn của
Công ty TNHH Đầu tư phát triển xăng dầu Việt Nhật được cấp giấy phép ngày
25/12/2020.
Theo thông tin từ Vụ Thị trường trong nước
- Bộ Công Thương, thời gian qua Bộ Công Thương đã đề nghị các đầu mối và thương
nhân phân phối báo cáo việc duy trì điều kiện theo quy định. Qua báo cáo, rà
soát, nhiều thương nhân phân phối đã không duy trì được điều kiện làm thương
nhân phân phối xăng dầu theo quy định. Một số thương nhân đã chủ động trả lại
giấy chứng nhận vì gặp khó khăn trong kinh doanh.
Theo đại diện Vụ Thị trường trong nước, việc
các doanh nghiệp trả lại giấy phép không ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh
xăng dầu trên thị trường. Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu, Bộ Công Thương đã
giao tổng nguồn tối thiểu cho các doanh nghiệp đầu mối thực hiện nhập khẩu và
mua của các nhà máy trong nước. Từ đầu năm đến nay, về cơ bản các đầu mối kinh
doanh xăng dầu thực hiện nghiêm túc tổng nguồn tối thiểu được phân giao nguồn
cung xăng dầu về cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu.
Trước đó, do kinh doanh gặp khó khăn, Công
ty TNHH Kinh doanh xăng dầu Trực Ninh - thương nhân phân phối xăng dầu lớn ở
Nam Định cũng đã có văn bản xin lại trả giấy phép làm thương nhân phân phối
xăng dầu cho Bộ Công Thương.
Đầu tháng 5, Bộ Công Thương cũng ban hành
4 quyết định thu hồi giấy phép chứng nhận đủ điều kiện của 4 thương nhân phân
phối xăng dầu ở Hải Phòng, TPHCM, Hà Nội và Quảng Nam sau khi doanh nghiệp chủ
động trả lại giấy phép do kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Tính từ đầu năm đến
nay, Bộ Công Thương đã tước giấy phép của gần 20 thương nhân phân phối xăng dầu.
Theo các doanh nghiệp, việc kinh doanh
xăng dầu gặp khó khăn do các vấn đề liên quan đến điều hành của cơ quan quản
lý. Tại hội thảo góp ý dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu do Bộ Công
Thương và VCCI tổ chức hồi giữa tháng 5.
Các doanh nghiệp cho rằng, việc cơ quan điều
hành không tách bạch các chi phí kinh doanh của từng tầng nấc trong hệ thống
kinh doanh xăng dầu hiện nay cũng như các quy định liên quan buộc doanh nghiệp
phải bán lỗ trong thời gian dài của năm 2022 và đầu năm 2023 là nguyên nhân khiến
doanh nghiệp từ đầu mối đến thương nhân phân phối và cả bán lẻ đều bị thua lỗ nặng
nề.
BTP