Tổng kết 7 tháng đầu năm 2022, thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam đã ghi nhận những bước phát triển đáng khích lệ. Khối lượng giao dịch thông qua Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam MXV tăng trưởng 41% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nếu như trong năm 2021, dòng tiền chủ yếu tập trung vào nhóm các mặt hàng năng lượng và nông sản, thì giai đoạn từ tháng 1 - 7/2022, cơ cấu giao dịch của 42 sản phẩm tại MXV đã trở nên cân bằng hơn rất nhiều. Theo MXV, số lượng tài khoản giao dịch đang hoạt động đã vượt mức 20.000 tài khoản với tốc độ tăng trưởng trung bình 5% mỗi tháng. Chỉ số hàng hóa MXV-Index đóng cửa tháng 7 tăng 9,5% so với giai đoạn đầu năm, lên mức 2.551 điểm, phản ánh xu hướng tăng chủ đạo trên thị trường.

Giai đoạn đầu năm 2022 đã chứng kiến những biến động lịch sử đối với thị trường hàng hóa như giá dầu thô tăng gần 40% chỉ sau một tuần giao dịch; giá lúa mì thế giới tăng lên mức cao nhất trong lịch sử, ảnh hưởng tới an ninh lương thực tại nhiều quốc gia châu Âu; Sở Giao dịch kim loại London (LME) phải dừng giao dịch do giá Niken tăng đột biến. Những sự kiện này đã tạo ra bước ngoặt cho hoạt động giao dịch hàng hóa trên thế giới và trong nước. Biến động lớn của giá hàng hóa đã thu hút dòng tiền đầu tư rất mạnh từ các nhà đầu tư, trong khi đề cao tầm quan trọng của việc sử dụng các công cụ bảo hiểm giá trong hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp. Nếu không có những biện pháp hiệu quả và kịp thời, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước đã phải chịu những thiệt hại rất lớn khi giá nguyên liệu nhập khẩu tăng từ 30 - 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự tăng lên ở cả nhóm doanh nghiệp và cá nhân đã giúp khối lượng giao dịch tại MXV tăng ổn định và bền vững từ đầu năm 2022 tới nay. Trong buổi làm việc với đại diện Bộ Công Thương và MXV, ông Russell Beattie - Giám đốc điều hành kiêm Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Sở Giao dịch Chicago (CME Group) - đánh giá, thị trường Việt Nam là một trong những thị trường giao dịch hàng hóa phát triển nhanh nhất khu vực. Đây được coi như một kỳ tích, bởi thị trường hàng hóa Việt Nam có tuổi đời rất non trẻ so với các thị trường khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Sở Giao dịch Chicago lần đầu làm việc với Bộ Công Thương

Với sứ mệnh nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ thị trường hàng hóa thế giới, MXV đã liên thông giao dịch với hầu hết các sở giao dịch lớn nhất trên thế giới. Bên cạnh kết quả giao dịch tăng trưởng ấn tượng, MXV và các thành viên thị trường vừa tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, vừa tuân thủ các quy định của các sở giao dịch quốc tế liên thông. Điều này đã tạo nên hình ảnh tốt đẹp của thị trường Việt Nam trong mắt các đối tác quốc tế.

Chỉ trong vài ngày đầu tháng 8, một loạt các đối tác quốc tế đã tới thăm và làm việc tại MXV. Trong đó, đáng chú ý là lần đầu tiên CME Group đã làm việc với Bộ Công Thương để chia sẻ về những quy định, chính sách mà chính phủ Mỹ áp dụng trong công tác quản lý và vận hành thị trường hàng hóa. Đây là sự kiện bản lề, đánh dấu sự phát triển về tầm vóc của thị trường Việt Nam đối với thị trường giao dịch hàng hóa toàn cầu.

 

Đại diện Bộ Công thương, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) và Sở Giao dịch Hàng hóa Chicago (CME Group)

 

CME Group tới thăm và làm việc tại trụ sở MXV

CME Group được thành lập từ năm 1848 tại bang Chicago, Hoa Kỳ. Trải qua rất nhiều sự kiện lịch sử trong hàng trăm năm qua, CME Group vẫn tồn tại và phát triển thành một trong ba Sở giao dịch hàng hóa lớn nhất thế giới, là minh chứng cho sự tất yếu của thị trường giao dịch hàng hóa tập trung. Giải quyết được các vấn đề của giao dịch hàng hóa trực tiếp như tính minh bạch, tính thanh khoản, sự hạn chế trong bảo quản chất lượng hàng hóa… các sở giao dịch hàng hóa đã trở thành cầu nối không thể tách rời giữa người mua và người bán trên thị trường quốc tế. “CME Group khẳng định sẽ tích cực hợp tác chiến lược với MXV để phát triển, niêm yết các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như gạo, hồ tiêu, điều, cà phê… trên thị trường giao dịch thế giới; đồng thời hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đạt tiêu chuẩn quốc tế đối với MXV nói chung và thị trường hàng hóa Việt Nam nói riêng” - ông Russell Beattie cho biết thêm.

Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - đã gửi lời cảm ơn tới CME Group với những chia sẻ và bài học quý báu để phát triển thị trường hàng hóa tại Việt Nam. Bộ Công Thương và MXV tin rằng, với chiến lược phát triển có trọng tâm, trọng điểm của các bên trong thời gian tới, thị trường hàng hóa tại Việt Nam sẽ ngày càng phát triển chuyên nghiệp và hiệu quả.

Cũng trong tuần qua, Lãnh đạo Sở Giao dịch Liên lục địa (ICE) và Công ty Công nghệ đa quốc gia CQG cũng đã tới thăm và làm việc tại trụ sở MXV. Các đối tác quốc tế đều bày tỏ sự ấn tượng trước các hoạt động tổ chức thị trường của MXV và cho rằng sự tăng trưởng là hệ quả tất yếu của quá trình xây dựng và phát triển bài bản và chuyên nghiệp.

Nâng cao hiệu quả trong hợp tác quốc tế

Là thị trường liên thông với thế giới 24 giờ mỗi ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần, hoạt động giao dịch hàng hóa yêu cầu sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế như các sở giao dịch hàng hóa liên thông; đối tác công nghệ cung cấp giải pháp, hệ thống giao dịch; các đơn vị tư vấn chiến lược… Bất kỳ một sự hợp tác nào với đối tác quốc tế cũng đều yêu cầu sự hiểu biết, tuân thủ và chuyên nghiệp để mang tới sự hiệu quả và bền vững lâu dài. Xét về khía cạnh này, tổ chức thị trường giao dịch hàng hóa đòi hỏi những yêu cầu cao nhất để có thể vừa tuân thủ pháp luật Việt Nam, vừa tuân thủ quy định của các sở giao dịch quốc tế liên thông tại nhiều quốc gia trên thế giới. Các cơ quan quản lý nhà nước Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước luôn đồng hành và ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy thị trường giao dịch hàng hóa phát triển, nhưng vẫn đảm bảo sự quản lý, giám sát của nhà nước.

Năm 2022 ghi nhận số lần các sở giao dịch thế giới thay đổi mức ký quỹ của các mặt hàng nhiều nhất trong hàng chục năm qua. Bên cạnh đó, các thay đổi về biên độ giao dịch trong ngày cũng liên tục được thực hiện để điều tiết tính thanh khoản trên những thị trường biến động lớn. Các thay đổi này từ các sở giao dịch thế giới đã được MXV cập nhật và phổ biến tới toàn thị trường giao dịch hàng hóa trong nước một cách chính xác và kịp thời.

Trong giai đoạn thị trường biến động mạnh như nửa đầu năm nay, hoạt động giao dịch tại Việt Nam vẫn diễn ra ổn định, không gặp bất kỳ sự cố nào. Đây là nền tảng vững chắc cho sự phát triển của thị trường cả về quy mô và chất lượng trong thời gian tới.

Theo Khánh Linh - BCT