Số liệu từ BCTC hợp nhất quý 4/2024 cho thấy, doanh thu, lợi nhuận và biên lãi gộp của GVR đều ở mặt bằng cao trong nhiều năm qua. Doanh thu 9,300 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ, với đóng góp chủ yếu từ lĩnh vực cốt lõi kinh doanh mủ cao su. Các sản phẩm từ cao su, chế biến gỗ, cơ sở hạ tầng và bất động sản cũng ghi nhận cải thiện. Đặc biệt, lợi nhuận gộp tăng gần gấp đôi, đạt hơn 3,000 tỷ đồng, giúp biên lợi nhuận gộp cải thiện lên 33% so với mức 21% cùng kỳ.
Ngoài giá
mủ cao su lên cao, các yếu tố hỗ trợ kết quả này gồm việc tiết giảm chi phí lãi
vay, chi phí bán hàng và ghi nhận lợi nhuận cao từ các công ty liên doanh, liên
kết. Lãi ròng quý 4 theo đó đạt gần 2,000 tỷ đồng, tăng 69%.
Ông lớn
ngành cao su Việt Nam khép lại một năm thành công nhất kể từ năm 2012 - thời điểm
giá mủ cao su ở mức rất cao - với doanh thu và lợi nhuận ghi nhận hơn 26,200 tỷ
đồng và 4,200 tỷ đồng, lần lượt tăng 19% và 61% so với cùng kỳ năm 2023.
Doanh thu và lợi nhuận GVR cao lên cao trở lại sau hơn 10 năm (Đvt: tỷ đồng)
Dù vậy,
thành công của GVR vẫn chủ yếu dựa vào mảng chính trồng và khai thác mủ cao su.
Tại Hội nghị Tổng kết cuối năm 2024, ông Đỗ Hữu Huy - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản
lý vốn nhà nước tại Doanh nghiệp cho biết thêm, các lĩnh vực khác như khu công
nghiệp, thủy điện dù gặt hái hiệu quả nhất định nhưng còn gặp nhiều thách thức
về pháp lý, biến đổi khí hậu và cạnh tranh. Các hoạt động khác như gỗ cao su,
công nghiệp cao su đều rất khó khăn, không hiệu quả.
Cuối năm
2024, Tập đoàn tiếp tục duy trì lượng lớn tài sản trong ngân hàng với khoảng
20,000 tỷ đồng bao gồm tiền gửi có kỳ hạn, các khoản tương đương tiền; đáng kể
nếu so với hơn 27,700 tỷ đồng tổng tài sản ngắn hạn. Điều này giúp Doanh nghiệp
thu ổn định từ lãi tiền gửi với hơn 1,000 tỷ đồng trong năm qua.
Bên cạnh
thành công về tài chính, GVR đạt được nhiều tiến bộ trong chiến lược phát triển
bền vững. Tập đoàn đã thực hiện cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững quốc gia và
quốc tế cho hơn 215,000ha rừng, đồng thời triển khai các giải pháp đáp ứng Quy
định chống phá rừng (EUDR) của Liên minh châu Âu. Hiện, 34 công ty thành viên của
GVR đã xây dựng phương án quản lý rừng bền vững trên tổng diện tích khoảng
287,000ha, trong đó 18 công ty đạt chứng chỉ VFCS/PEFC-FM.
Liên quan
đến EUDR, theo báo cáo của cty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho biết, các chính
sách này khả năng sẽ làm gián đoạn cũng như thay đổi một phần nguồn cung cao su
thiên nhiên nhập vào châu Âu, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc
biệt là các công ty có sự chuẩn bị tốt về các chứng chỉ bền vững.
"Quy
định này sẽ làm tăng nhu cầu tiềm kiếm nguồn cung đạt chuẩn tại các đơn vị sản
xuất phục vụ thị trường châu Âu, đặc biệt là từ công xưởng Trung Quốc. Cơ hội
cho các nhà cung ứng đã hoàn tất các chứng chỉ bền vững tại Việt Nam khi Trung
Quốc hiện đang là thị trường đóng góp từ 75%-80% giá trị xuất khẩu cao su của
Việt Nam", PHS phân tích trong một báo cáo hồi tháng 11/2024.
Không chỉ
vậy, bước sang năm 2025, ngành cao su thiên nhiên được dự báo tiếp tục biến động
do thiếu hụt sản lượng. Phát biểu tại Hội thảo Ngành cao su đầu tháng 1 vừa
qua, bà Arusha Das, Trưởng ban Định giá, dữ liệu và nghiên cứu Helixtap - một nền
tảng dữ liệu và thông tin về thị trường hàng hóa toàn cầu - nhận định nguồn
cung cao su thiên nhiên đang chịu áp lực lớn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu
và các yếu tố địa chính trị.
Tại Đông
Nam Á – khu vực sản xuất cao su lớn nhất thế giới, thời tiết bất thường khiến
mùa rụng lá đến sớm, làm giảm đáng kể sản lượng. Cùng lúc, Bờ Biển Ngà – quốc
gia xuất khẩu cao su lớn tại châu Phi – vừa ban hành lệnh cấm xuất khẩu cup
lump (cao su dạng nguyên liệu thô), khiến nguồn cung toàn cầu thêm hạn chế.
Ông Lê
Thanh Hưng – Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) kiêm Tổng Giám đốc GVR –
cũng cho rằng năm 2025 sẽ đầy thách thức do tác động từ biến đổi khí hậu, áp lực
giảm phát thải và những yêu cầu khắt khe từ EUDR. Trong ngắn hạn, các nhà xuất
khẩu cao su có xu hướng đẩy mạnh bán hàng trước khi quy định có hiệu lực vào cuối
năm nay.
Dù đối mặt
với nhiều khó khăn, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành kỳ vọng sẽ đạt 12.1 tỷ
USD trong năm 2025, tăng trưởng 10% so với năm 2024.
VT