Dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Phó trưởng Ban Chỉ đạo; các thành viên Ban Chỉ đạo là bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.


Triển khai đồng bộ, toàn diện thực hiện các cam kết tại COP26

Theo Ban Chỉ đạo, ngay sau khi tham dự COP26, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo để triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam tại hội nghị. Kể từ khi thành lập vào tháng 12/2021 đến nay, Ban Chỉ đạo quốc gia đã tổ chức 3 phiên họp, thảo luận, thống nhất ý kiến làm cơ sở để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định nhiều vấn đề quan trọng. Các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ đã tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện các công việc được phân công, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chiến lược, quy hoạch, đề án, kế hoạch triển khai ở tầm quốc gia.

Trong đó, xây dựng, ban hành Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí metan đến năm 2030; Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan ngành giao thông vận tải; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2030; Quy hoạch điện VIII. Riêng Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang trong quá trình hoàn thiện và sẽ được phê duyệt sớm.

Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật năm 2022 phù hợp với các cam kết của Việt Nam tại COP26 để gửi Ban Thư ký Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu... Các bộ trưởng, thành viên Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo xây dựng Kế hoạch hành động của ngành với những chỉ tiêu cụ thể triển khai cam kết tại COP26.

Cùng với đó, công tác truyền thông được quan tâm chỉ đạo, thực hiện qua nhiều hình thức thiết thực góp phần quan trọng để toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp thống nhất nhận thức và đồng hành cùng Chính phủ trong thực hiện cam kết tại COP26.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục chủ động đàm phán với các đối tác và các định chế tài chính quốc tế nhằm thúc đẩy tiếp cận các nguồn lực tài chính, công nghệ, mở nhiều cơ hội hợp tác phát triển, hướng tới tăng trưởng phát thải carbon thấp.

Các bộ, ngành đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác thực hiện cam kết COP26 với các đối tác quốc tế. Việt Nam đã đàm phán thành công Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với các quốc gia G7. Các địa phương cũng đã vào cuộc, tổ chức triển khai, quán triệt về các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, mục tiêu giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050, triển khai nhiều hoạt động tại địa phương, cơ sở.

Nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã có những hành động đồng hành cùng Chính phủ, triển khai nghiên cứu và triển khai giảm dần các nguồn năng lượng hóa thạch, xây dựng kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính. Nhiều doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế. Một số tập đoàn đa quốc gia đã có hoạt động hợp tác với các cơ quan thuộc Chính phủ, các doanh nghiệp trong nước để thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng khí nhà kính bằng 0. Thúc đẩy chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo để trở thành động lực dẫn dắt, tạo tác động lan tỏa trong những ngành, lĩnh vực then chốt…

Đối với việc triển khai JETP, đến nay đã hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ đề án triển khai JETP với 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm về: Hoàn thiện thể chế; thúc đẩy chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; nâng cấp hệ thống truyền tải và phân phối điện, đẩy nhanh lộ trình xây dựng lưới điện thông minh và phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng; chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính của ngành giao thông vận tải; bảo đảm công bằng trong chuyển đổi năng lượng…

Tại hội nghị, Ban Chỉ đạo tập trung thảo luận về: Huy động nguồn lực thực hiện tăng trưởng xanh của Việt Nam hướng tới mục tiêu cam kết tại Hội nghị COP26 về đưa phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050; Kế hoạch thực hiện cam kết chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch, quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia và việc triển khai Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; Kế hoạch triển khai Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất, các dự án giảm phát thải từ rừng và nông nghiệp…

Sản xuất trang thiết bị, phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo COP26 ghi nhận, đánh đánh giá cao và biểu dương nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, thành viên Ban Chỉ đạo, các doanh nghiệp đã rất quyết tâm, nỗ lực, chủ động, tích cực, đồng bộ trong việc triển khai các nhiệm vụ cụ thể sau phiên họp thứ 3, hướng đến mục tiêu chung là thực hiện một cách trách nhiệm, hiệu quả, thiết thực cam kết của Việt Nam tại COP26, đóng góp vào phát triển nhanh, bền vững của đất nước.

Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ, trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, vẫn còn những khó khăn cần tháo gỡ, những hạn chế cần rút kinh nghiệm để làm tốt hơn nữa, như việc xây dựng, hoàn thiện một số cơ chế, chính sách để ưu tiên cho chuyển đổi xanh, phát triển xanh còn chậm, chưa chủ động, trong đó có quy định liên quan tín chỉ carbon, năng lượng hydrogen…; việc đàm phán, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để huy động nguồn lực xã hội, đặc biệt từ đối tác quốc tế còn chậm; việc xây dựng báo cáo về chuyển đổi năng lượng công bằng trong từng lĩnh vực hầu như chưa được triển khai do vấn đề còn mới đối với các bộ, ngành; nhận thức của một bộ phận cán bộ thi hành công vụ về phát triển xanh còn hạn chế….

Thủ tướng Chính phủ cho rằng, phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược mà Việt Nam không thể đứng ngoài, cũng là một cơ hội để phát triển, tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng xanh, bền vững; phải kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để thực hiện các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước, vì cuộc sống ấm no và hạnh phúc của nhân dân. Việc phát triển xanh phải bền vững, bao trùm, toàn diện, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Điều này đòi hỏi các cấp, các ngành, toàn dân, doanh nghiệp phải hành động với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hanh động quyết liệt, hiệu quả hơn nữa. Thủ tướng nhấn mạnh một số vấn đề trọng tâm gồm: Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; huy động mọi nguồn lực,  trong đó kết nối và vận động thu hút nguồn lực từ quốc tế, các dòng tài chính xanh, chuyển giao công nghệ, tri thức, kinh nghiệm của các nước, các tổ chức quốc tế là rất quan trọng; đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ để sản xuất trang thiết bị, phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo; hoàn thiện phương thức quản lý phù hợp, hiệu quả với phát triển xanh; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho phát triển xanh.

Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ban Chỉ đạo và các cấp, các ngành tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26 đã được nêu tại Quyết định số 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Đóng góp do quốc gia tự quyết định cập nhật năm 2022 và các cam kết tại COP26.

Các bộ, ngành sớm hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, huy động sự tham gia của toàn xã hội trong thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26; thu hút nguồn lực thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng; khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng; khuyến khích doanh nghiệp giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm năng lượng, phát triển mô hình sản xuất thân thiện môi trường; bố trí nguồn lực để thực hiện hiệu quả theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan vào cuộc mạnh mẽ triển khai thực hiện Đề án triển khai Tuyên bố JETP, xây dựng Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP; chủ động và tích cực trao đổi, thảo luận với Nhóm các đối tác quốc tế, Liên minh Tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (GFANZ) và các bên liên quan.

Sớm trình Cơ chế thí điểm mua bán điện trực tiếp

Thủ tướng yêu cầu các bộ quản lý lĩnh vực phát thải khí nhà kính như: Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương ban hành văn bản quy định chi tiết về ứng phó với biến đổi khí hậu theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; ban hành kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực theo đúng quy định của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP; tổ chức đánh giá, kiểm kê phát thải khí nhà kính của các doanh nghiệp, cơ sở nhằm gắn trách nhiệm thực hiện giảm phát thải theo cam kết của Việt Nam tại COP26.

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Nghị định quy định quản lý tín chỉ carbon theo quy định của pháp luật về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc tích hợp sửa đổi Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, trình Chính phủ trong quý II/2024; chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan tham khảo kinh nghiệm của các nước, tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về quản lý tín chỉ carbon rừng tại Việt Nam bảo đảm việc thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định và cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng giao Bộ Công Thương sớm hoàn thiện, trình ban hành Cơ chế thí điểm mua, bán điện trực tiếp (DPPA) giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn để đẩy nhanh các dự án chuyển đổi năng lượng công bằng thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26; ban hành quy định khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời phân tán/áp mái; hoàn thiện Chiến lược sản xuất hydrogen tại Việt Nam; đề xuất, xây dựng chương riêng về năng lượng tái tạo trong sửa đổi Luật Điện lực.


Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên họp

Bộ Tài chính tập trung hoàn thiện Đề án Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trong tháng 7/2023; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi cho tăng trưởng xanh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xây dựng tiêu chí về tăng trưởng xanh.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tập trung chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc khẩn trương thực hiện kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp ngày 10/6/2023, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo để thực sự trở thành động lực dẫn dắt, tạo tác động lan tỏa trong những ngành, lĩnh vực then chốt, nhất là phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh, chuyển đổi số, nghiên cứu phát triển năng lượng mới như hydrogen, phát triển điện gió…

Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cần phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hoạt động truyền thông, tạo quyết tâm cao, hành động thống nhất và duy trì động lực trong việc triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 và chuyển đổi năng lượng công bằng.

Theo BCP