Tuần trước, Altman - cựu Giám đốc điều hành của OpenAI, đã bị sa thải mà theo các thông tin truyền thông đánh giá là trong một tình huống vẫn chưa rõ ràng. Hội đồng quản trị của công ty cho biết trong một tuyên bố rằng vị CEO đã “không nhất quán và thẳng thắn trong việc giao tiếp với hội đồng quản trị” nhưng không đưa ra lời giải thích nào thêm.

Trước đây, Microsoft đã đầu tư hàng tỷ USD vào việc phát triển hệ thống ChatGPT của OpenAI, hệ thống này đã trở thành một trong những công cụ AI nổi tiếng nhất thế giới kể từ khi ra mắt vào năm ngoái.

Mối quan hệ giữa Microsoft và OpenAI dường như khá mật thiết khi OpenAI thông báo về sự ra đi của Altman vào thứ 6 tuần trước đã khiến cổ phiếu của Microsoft giảm gần 2%.

Một tuyên bố được công bố trên nền tảng truyền thông xã hội X của Giám đốc điều hành Microsoft - Satya Nadella cho biết công ty của ông vẫn “cam kết hợp tác với OpenAI và tin tưởng vào lộ trình sản phẩm,… chúng tôi mong muốn được làm quen với Emmett Shear (CEO mới của OpenAI) và ban lãnh đạo mới của OAI cùng với nhóm làm việc của họ”.


CEO Microsoft Satya Nadella và Sam Altman

Tuy nhiên có khá nhiều điểm khúc mắc trong câu chuyện của OpenAI khi Nadella nói rằng Altman và Brockman sẽ tham gia “cùng với các đồng nghiệp”.

Trong khi Altman mô tả việc đột ngột rời khỏi OpenAI là “một trải nghiệm kỳ lạ về nhiều mặt”, so sánh phản ứng với việc “đọc điếu văn của chính mình khi vẫn còn sống”.

Còn trên X, Brockman cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ xây dựng một cái gì đó mới và điều đó sẽ thật đáng kinh ngạc... sứ mệnh vẫn tiếp tục”.

Theo Bill Blain – chuyên gia phân tích chiến lược thị trường tại công ty quản lý tài sản Shard Capital, (nguồn tin từ The Guardian) nhận xét rằng có thể nhiều nhân viên khác của OpenAI sẽ chuyển sang Microsoft và rằng từ vị trí dẫn đầu thị trường, OpenAI - một tổ chức phi lợi nhuận, đã bị giáng một đòn đáng kể. Bill Blain nói: “đại loại trong lĩnh vực AI, OpenAI đang chiếm nhiều ưu thế so với các đối thủ, nhưng giờ đây Hãng đang đứng trước nguy cơ đánh mất lợi thế sau vụ lùm xùm sa thải không rõ nguyên nhân, Các công ty khởi nghiệp AI trên khắp thế giới có thể sẽ thuê bất cứ ai trong số những người ra đi từ OpenAI sau sự vụ kể trên”.


Emmett Shear - người tạm nắm quyền điều hành OpenAI

Emmett Shear - cựu đồng sáng lập và CEO của Twitch hôm thứ 2 vừa qua xác nhận sẽ đảm nhận công việc lãnh đạo tại công ty AI có lẽ nổi tiếng nhất thế giới. Trong một bài đăng trên X, Shear cho biết anh nhận được cuộc gọi từ OpenAI đề nghị anh trở thành CEO tạm thời của công ty.

“Tôi nhận công việc này (CEO OpenAI) vì tôi tin rằng OpenAI là một trong những công ty quan trọng nhất hiện nay. Khi ban lãnh đạo chia sẻ tình hình và đề nghị tôi đảm nhận vai trò này, tôi đã không đưa ra quyết định một cách nhẹ nhàng. Cuối cùng, tôi cảm thấy mình có nghĩa vụ phải giúp đỡ nếu có thể”, anh nói thêm. Emmett Shear cũng cho biết thêm, việc ra đi của Altman đã được “xử lý rất tệ” và đây sẽ là thử thách đầu tiên của anh tại OpenAI trên cương vị mới.


Ở một diễn biến khác, theo các nguồn tin quen thuộc với Reuters cho hay một số nhà đầu tư vào OpenAI - nhà sản xuất ChatGPT, đang tìm kiếm các giải pháp pháp lý nhằm chống lại hội đồng quản trị của công ty sau khi để xảy ra sự vụ sa thải CEO Sam Altman và gây ra một cuộc di cư hàng loạt nhân viên.

Ngoài ra vụ việc sa thải bất ngờ của OpenAI cũng được cho là gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đợt bán cổ phiếu trị giá 86 tỉ USD sắp tới của công ty này.

Các nguồn tin cho biết các nhà đầu tư đang làm việc với các cố vấn pháp lý để nghiên cứu các lựa chọn của họ. Hiện chưa rõ liệu các nhà đầu tư này có kiện OpenAI hay không.

Các nhà đầu tư lo lắng rằng họ có thể mất hàng trăm triệu đô la mà họ đã đầu tư vào OpenAI, viên ngọc quý trong một số danh mục đầu tư của họ, với khả năng sụp đổ của công ty khởi nghiệp hot nhất trong lĩnh vực AI sáng tạo đang phát triển nhanh chóng.

Hiện OpenAI chưa đưa ra bất cứ bình luận nào.

Tuy nhiên theo các chuyên gia Luật thì việc khởi kiện hội đồng quản trị của OpenAI có thể sẽ không dễ dàng, bởi cấu trúc của OpenAI không giống như những công ty phát triển để tìm kiếm lợi nhuận thông thường. Theo Semafor, Microsoft sở hữu 49% công ty hoạt động vì lợi nhuận,  các nhà đầu tư và nhân viên khác kiểm soát 49%, và 2% thuộc sở hữu của công ty mẹ phi lợi nhuận OpenAI.

T/h