Đoàn đại biểu Kiểm toán nhà nước Việt Nam (KTNN) do Tổng Kiểm toán
nhà nước Ngô Văn Tuấn dẫn đầu đã tham dự Hội nghị về Quản lý nợ lần thứ 13 của
UNCTAD, tại Geneva, Thụy Sĩ, dự kiến kết thúc vào ngày 7/12. Hội nghị có sự
tham dự của hơn 350 nhà quản lý nợ quốc gia cấp cao từ hơn 100 nước trên thế giới.
Diễn đàn được tổ chức định kỳ hai năm một lần để chia sẻ kinh nghiệm
và trao đổi quan điểm giữa các Chính phủ, tổ chức quốc tế về những diễn biến
trong tình hình nợ ở các nước đang phát triển.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Ngô Văn
Tuấn cho rằng, nợ công là nguồn lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế -
xã hội ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, để tránh xảy
ra khủng hoảng nợ, biện pháp phòng ngừa quan trọng nhất là quản lý và sử dụng vốn
vay một cách hiệu quả, tạo điều kiện cho các quốc gia trả được nợ gốc và nợ lãi
đúng hạn.
Theo Tổng Kiểm toán Ngô Văn Tuấn, từ cuối năm 2019, thế giới đã phải
đối mặt với nhiều diễn biến thay đổi nhanh chóng, phức tạp và khó lường. Bất ổn
chính trị, thiên tai, đặc biệt là đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn ra đã cản trở
sự phát triển kinh tế - xã hội ở hầu hết các quốc gia.
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế lan rộng, chính sách tài khóa thắt
chặt và áp lực lạm phát, nguồn thu ngân sách của các chính phủ đã bị ảnh hưởng
tiêu cực, khiến nhiều quốc gia phải chịu gánh nặng kép khi vừa phải tăng chi
tiêu phục hồi và phát triển kinh tế, vừa phải đáp ứng những nhu cầu tài chính
nhằm thực hiện nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ dài hạn.
“Trong bối cảnh đó, Việt Nam tiếp tục kiểm soát hiệu quả các khoản nợ công, tất cả các chỉ tiêu chính đều duy trì dưới ngưỡng cảnh báo do Quốc hội đưa ra: Tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam ở mức 43 - 44%, tỷ lệ nợ Chính phủ trên GDP trong khoảng 40 - 41%, tỷ lệ nợ nước ngoài trên GDP từ 40-41%, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với thu ngân sách từ 18 -19%”, ông Tuấn chia sẻ.
Hồi tháng 11, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings đã
đánh giá nợ chính phủ của Việt Nam nằm trong tầm kiểm soát. Trên thực tế, trong
khi các quốc gia có cùng mức xếp hạng tín nhiệm đã chứng kiến gánh nặng nợ của
họ tăng lên kể từ năm 2019, đạt mức cao kỷ lục 60% GDP vào năm 2020 và được dự
đoán sẽ ổn định ở mức xấp xỉ 55% GDP vào năm 2024, nợ công của Việt Nam vẫn ổn
định ở mức 40% trong cùng thời kỳ.
Tại hội nghị, ông Ngô Văn Tuấn đã chia sẻ 7 giải pháp ứng phó với
khủng hoảng nợ công tại Việt Nam, trong đó có giải pháp kết hợp các chính sách
tài khóa và tiền tệ linh hoạt, hài hòa, bám sát kế hoạch tài chính quốc gia
cũng như các kế hoạch vay, trả nợ 5 năm và hàng năm của Chính phủ; huy động các
nguồn lực ngoài ngân sách trong và ngoài nước để thực hiện Chương trình phục hồi
và phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Tuấn cho biết, việc huy động vốn trái phiếu Chính phủ nhằm đáp
ứng nhu cầu vốn ngân sách với tỷ lệ lãi suất phù hợp, đảm bảo sức hấp dẫn của
thị trường. Phát hành đa dạng các loại trái phiếu chính phủ, đặc biệt là trái
phiếu chính phủ kỳ hạn ngắn dưới 5 năm để đáp ứng nhu cầu vay, hài hòa dòng tiền
trả nợ, giảm chi phí nợ so với trái phiếu kỳ hạn dài.
Cùng với đó là cơ cấu lại danh mục nợ trong nước của Chính phủ,
tranh thủ các nguồn vốn khác như nguồn bổ sung ngân sách, nguồn chi chưa sử dụng,
vốn vay từ NSNN để xây dựng các kế hoạch huy động vốn phù hợp, tiết kiệm chi
phí nợ cho ngân sách trung ương, tăng cường mối liên kết giữa kho bạc, cơ quan
quản lý nợ công và ngân sách nhà nước; phát huy vai trò của cơ quan kiểm toán tối
cao trong việc phát hiện và ngăn ngừa rủi ro khủng hoảng nợ công…
“Việc duy trì kiểm soát các chỉ tiêu an toàn nợ công là cần thiết
nhưng cần đặt trong mối quan hệ với hiệu quả sử dụng vốn vay. Vì vậy, việc sử dụng
các biện pháp giám sát ngân sách để đảm bảo các khoản vay được sử dụng đúng mục
đích, hiệu quả là chìa khóa để ngăn chặn khủng hoảng nợ công”, Tổng Kiểm toán
nhà nước Việt Nam Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh.
Theo BTP