"Đó là thuế quan đối ứng. Vì vậy, họ tính thuế chúng ta bao nhiêu, chúng ta sẽ tính họ bấy nhiêu, nhưng chúng ta sẽ áp thuế nhẹ hơn họ", ông Trump nói.

Có thật Việt Nam đánh thuế hàng Mỹ 90%? Và mức thuế 46% dcho Việt Nam được tính như thế nào?

Đài CNBC cho rằng, chính quyền ông Trump đã áp dụng công thức như sau: Thuế quan = Thâm hụt thương mại song phương / Tổng giá trị nhập khẩu từ nước đó.

Cụ thể, chính quyền Trump đã sử dụng mức thuế suất đối với mỗi nước bằng cách tính tỉ lệ giữa mức thâm hụt thương mại song phương và tổng kim ngạch nhập khẩu rồi chia đôi.

Mỹ tính thuế nhập khẩu đối ứng đối với mỗi nước bằng tỷ lệ giữa mức thâm hụt thương mại song phương và tổng kim ngạch nhập khẩu vào Mỹ rồi chia đôi, chuyên gia kinh tế trường Đại học Fulbright Việt Nam Nguyễn Xuân Thành viết trên Facebook cá nhân hôm 3/4.

Chẳng hạn, năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ 136,463 tỉ USD và nhập 13,561 tỉ USD.

Theo công thức này, cán cân thương mại của Mỹ so với Việt Nam sẽ ở mức thâm hụt 122,9 tỉ USD, tương đương 90,4%.

Đây là mức mà ông Trump cho rằng mức "thuế" mà Việt Nam đang "áp" cho hàng hóa Mỹ, nói thêm rằng mức này đã bao gồm cả thao túng tiền tệ và rào cản thương mại.

Công thức này phản ánh mức độ mất cân bằng thương mại theo cách tính của Mỹ, không dựa vào thuế danh nghĩa các nước công bố.

Từ đó, Mỹ áp thuế 46%, tức một nửa của mức 90% và nói rằng đã "giảm giá" cho Việt Nam.

Trước đó ông Trump đã nói rằng mức thuế quan của mỗi quốc gia sẽ là "mức thuế quan kết hợp của tất cả các mức thuế quan, rào cản phi tiền tệ và các hình thức gian lận khác".

Nhà Trắng cũng đã công bố công thức tính thuế đối ứng trên website của mình, giải thích tương tự.

Tổng cộng có 180 quốc gia bị ảnh hưởng trong danh sách tăng thuế mà ông Trump công bố hôm 2/4, thời điểm mà ông Trump gọi là "Ngày giải phóng".



Việt Nam hokp sau vài giờ ra sắc lệnh áp thuế

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính cam kết vào thứ Năm, chỉ vài giờ sau sắc lệnh áp thuế của Tổng thống Trump, rằng Việt Nam sẽ duy trì mục tiêu tăng trưởng kinh tế ít nhất 8% trong năm nay, bất chấp việc Hoa Kỳ áp thuế 46% đối với hàng xuất khẩu của quốc gia Đông Nam Á này.

Thông báo được đưa ra trong cuộc họp khẩn cấp của Chính phủ, có sự tham dự của Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng và Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng.

Một tổ phản ứng nhanh cũng được thành lập, do Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn phụ trách.

Trong khi đó, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cũng sẽ lên đường đến Mỹ vào ngày 6/4, trong đó kỳ vọng sẽ gặp giới chức Mỹ nhằm tìm cách giảm mức thuế được cho là quá cao này.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến nói với báo giới rằng mình "chếnh choáng" trước việc Tổng thống Trump công bố mức thuế 46% đối với hàng hóa Việt Nam.

Ngày 3/4, tại cuộc họp báo thường kỳ, ông Trương Bá Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính), khẳng định mặt bằng thuế quan của Việt Nam áp dụng với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ "thấp hơn rất nhiều so với con số 90% mà Mỹ tính toán".

Ông Tuấn dẫn báo cáo của cơ quan thương mại của Mỹ cho biết mức thuế suất bình quân trên thực tế mà Việt Nam áp dụng với hàng Mỹ này chỉ khoảng 9,4%. Trong số đó, phần lớn mặt hàng của Mỹ khi xuất khẩu sang Việt Nam chịu thuế cao nhất 15% hoặc thấp hơn.

Ông Tuấn nói thêm rằng mức thuế 46% mà Mỹ áp lên hàng từ Việt Nam "gồm nhiều yếu tố, không chỉ thuần tuý dựa trên thuế suất", và Bộ Tài chính "sẽ nghiên cứu cụ thể căn cứ tính thuế này, để có các giải pháp phù hợp", theo VnExpress.



Các ngành bị tác động

Dệt may được coi là ngành bị ảnh hưởng nặng với mức thuế suất mới

Chuyên gia Stephen Innes của công ty đầu tư SPI Asset Management nhận định với BBC rằng đây là "một cuộc tấn công trực diện vào chuỗi cung ứng mở rộng của Bắc Kinh".

"Việt Nam và các quốc gia khác ở vùng ngoại vi là thiệt hại ngoài ý muốn trong quá trình tái cấu trúc chính sách thương mại của Mỹ quyết liệt nhất trong một thế hệ," ông nói thêm.

"Đây không phải là hành động trả đũa – mà là sự kiềm chế chiến lược thông qua chiến tranh thuế quan."

CNBC nhận định mức thuế đối ứng 46% đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam "có thể sớm làm tăng chi phí cho các tập đoàn lớn trong lĩnh vực may mặc, đồ nội thất và đồ chơi.

Một số công ty có thể chuyển phần chi phí đội lên này sang cho người tiêu dùng dưới hình thức tăng giá. Các mức thuế đối với Việt Nam sẽ có hiệu lực từ ngày 9/4/2025.

Bên cạnh đó, mức thuế do chính quyền Trump công bố sẽ tác động đến gã khổng lồ như Apple - công ty đã đa dạng hóa chuỗi cung ứng và xưởng sản xuất của mình từ Trung Quốc sang các quốc gia gồm Việt Nam và Ấn Độ.

Trong vài năm trở lại đây, Việt Nam đã nổi lên như một trung tâm sản xuất cho các thiết bị điện tử tiêu dùng và Apple đã tăng sản lượng tại quốc gia này.

Theo Evercore ISI, khoảng 20% ​​sản lượng iPad và 90% sản phẩm phụ kiện của Apple như Apple Watch được lắp ráp tại Việt Nam.

Nike được cho là sẽ dính đòn đau khi Mỹ áp thuế cho Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Mỹ là thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong năm 2024 với kim ngạch 13,8 tỉ USD và xuất siêu 10,8 tỉ USD.

Việc Mỹ áp thuế 46% sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nông sản Việt Nam, dù mặt hàng này trước đó đã vượt qua nhiều rào cản thương mại khác.



Trung Quốc gặp thách thức

Trung Quốc cũng chịu một mức thuế nặng nề: 34%. Trước đó, hàng từ quốc gia này nhập vào Mỹ đã phải chịu thuế 20%, cộng thêm mức thuế mới sẽ là 54%.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Năm 2024, Việt Nam nhập lượng hàng hóa trị giá hơn 161 tỉ USD.

Năm 2018, ông Trump áp thuế đối với Trung Quốc khiến một số doanh nghiệp phải cân nhắc lại nơi sản xuất sản phẩm của họ. Một số đã chọn chuyển sản xuất sang Việt Nam.

Điều này dẫn đến sự gia tăng xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ, trong đó có sự đóng góp của các công ty Trung Quốc đã chuyển dây chuyền sản xuất sang đây.

"Việt Nam rõ ràng bị Trump nhắm đến bởi vai trò là trung gian giúp Trung Quốc né tránh các mức thuế trước đó," Stephen Olson, người từng là một nhà đàm phán thương mại của Mỹ, nói với BBC.

Dù Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nhưng Trung Quốc lại là nhà cung cấp hàng hóa lớn nhất, chiếm hơn 1/3 tổng kim ngạch nhập khẩu, theo số liệu chính thức mới nhất.

Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đứng sau gần một phần ba khoản đầu tư mới vào Việt Nam trong năm 2024.

Pushan Dutt, giáo sư tại trường kinh doanh INSEAD, cho rằng các mức thuế mới đối với Đông Nam Á sẽ gây "trở ngại lớn" cho Trung Quốc. Ngoài Việt Nam thì Lào và Campuchia chịu mức thuế lần lượt là 48% và 49%.

"Trung Quốc đang gặp vấn đề về nhu cầu và trong chính quyền Trump trước đây, các doanh nghiệp của họ đã linh hoạt ứng phó với thuế quan bằng cách điều chỉnh chuỗi cung ứng, chuyển sang các nước Đông Nam Á. Cánh cửa này giờ đã bị đóng sập lại," ông nói thêm.

Tuy nhiên, chính sách thuế của Trump đối với khu vực cũng sẽ ảnh hưởng đến các công ty Mỹ đang sản xuất hàng hóa tại Đông Nam Á.

Chẳng hạn, các doanh nghiệp Mỹ như tập đoàn công nghệ Apple, Intel và hãng đồ thể thao Nike đều có nhà máy lớn tại Việt Nam.

Một khảo sát gần đây của Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam cho thấy hầu hết các nhà sản xuất Mỹ tại đây dự kiến sẽ cắt giảm nhân sự nếu thuế quan được áp đặt.

 bbc