Tình hình hạn hán tại châu Âu gần đây không chỉ gây ra cháy rừng và rủi ro đối với an ninh lương thực mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới các chuyến hàng vận chuyển bằng đường sông của khu vực này do mực nước sụt giảm.

Theo CNBC, sông Rhine, một tuyến đường thương mại quan trọng chảy qua Đức và các thành phố châu Âu đến cảng Rotterdam, Hà Lan đang trở nên cạn hơn. Trong khi đó, mực nước tại Kaub – một thị trấn cách Frankfurt khoảng 80 km về phía tây nơi các dữ liệu được theo dõi sát sao - đã giảm xuống mức thấp nhất trong năm nay từ cuối tháng 7.

Việc mực nước tại các con sông sụt giảm do hạn hán đang gây ảnh hưởng trực tiếp tới chi phí vận chuyển do sức chứa của tàu giảm, dẫn tới chi phí vận chuyển tăng. Trên thực tế, các công ty vận chuyển như Maersk và Hapag-Lloyd từ tháng 7 đều đã đưa ra thông báo khách hàng sẽ phải trả thêm phụ phí khi mực nước ở sông Rhine hạ xuống thấp.

Theo chuyên gia kinh tế của Deutsche Bank Marc Schattenberg, chi phí vận chuyển một tấn dầu diesel trên sông Rhine đến Karlsruhe ở tây nam nước Đức tăng gấp đôi- lên khoảng 55 USD trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 7.

Ông này cho biết, có một lượng đáng kể dầu sưởi và dầu diesel được vận chuyển qua sông Rhine nên việc mực nước sông hạ thấp gây ra áp lực giá cả đáng kể tới những khu vực được cung cấp nhiên liệu theo cách này.

Trong khi đó theo ông Tim Beckhoff, một chuyên gia quản lý nhà cung cấp và thu mua tại McKinsey, tác động từ việc mực nước tại các con sông sụt giảm có thể tác động đáng kể trong bối cảnh “toàn bộ nền kinh tế phụ thuộc vào phương thức vận tải có chi phí tương đối thấp này”.


CNBC trích dẫn Viện Kinh tế Thế giới Kiel (IFW) cho biết mực nước giảm có thể làm “suy giảm đáng kể” sản lượng sản xuất. Trước đó, báo cáo năm 2020 của IFW cho biết mực nước xuống thấp trong 30 ngày tại Kaub hồi năm 2018 từng khiến giao thông đường thủy trên sông Rhine giảm khoảng 25% và sản lượng công nghiệp ở Đức giảm 1%.

Để giải quyết vấn đề này, các công ty có thể lựa chọn việc chuyển đổi sang các phương thức vận tải khác. Tuy nhiên, việc này sẽ vô cùng tốn kém. Theo ước tính của ông Marc Schattenberg, một sà lan lớn trên sông Rhine dài khoảng 135m và độ sâu tối đa 3m có thể chở khoảng 2.700 tấn hàng hóa. Nếu chuyển sang đường bộ, cùng một khối lượng hàng hóa này cần tới 110 xe tải lớn. Ông cũng cho biết, có một số đề xuất về việc mở rộng và nạo vét các kênh vận chuyển đã được đưa ra nhưng các biện pháp này tốn kém và có thể gây hại đến môi trường.

Trước mắt, các giải pháp có tiềm năng nhất chính là điều chỉnh tàu cho thích hợp với các con sông nông hơn và đầu tư vào các phần mềm dự đoán. Ông Schattenberg giải thích việc đầu tư vào phần mềm sẽ giúp các công ty đạt được khả năng điều chỉnh chuỗi cung ứng và kho bãi trong thời gian dự kiến xảy ra các vấn đề hậu cần liên quan đến mực nước thấp.

Ông Beckhoff nhận định, một số khách hàng cũng có thể sử dụng phần mềm dự đoán để giúp chuyển từ chuỗi cung ứng ưu tiên chi phí và chất lượng sang chuỗi cung ứng tập trung vào khả năng phục hồi và nhanh nhẹn.

HnT